Lao động mất việc làm vì đại dịch

09:27 - Thứ Hai, 20/04/2020 Lượt xem: 7844 In bài viết

ĐBP - Hơn nửa tháng nay, anh Ngô Văn Khánh (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) phải ở nhà vì không có việc làm. Trước đó, anh Khánh làm lái xe đường dài được trả lương 15 triệu đồng/tháng. Với thu nhập ấy cuộc sống tuy không quá dư dả nhưng với gia đình 4 người được xem là khá ổn định. Tuy nhiên cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn khi dịch bệnh Covid-19 ập tới, nhất là từ ngày 1/4 tới nay, các chuyến xe vận tải hành khách phải dừng lăn bánh. Anh Khánh buồn rầu cho biết, anh vừa nhận được thông tin về việc Sở Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19; Công văn của Sở Giao thông vận tải về việc tạm đình chỉ hiệu lực có thời hạn các loại phù hiệu, biển hiệu của xe kinh doanh vận tải. Như vậy, các chuyến xe vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh, taxi, xe buýt vẫn phải tạm dừng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Khánh nêu quan điểm: “Việc tạm dừng các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách là để tiếp tục ngăn chặn, kiểm soát, kiềm chế nguy cơ lây nhiễm từ các địa phương có dịch sang các địa phương chưa có dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân; song trên thực tế đã ảnh hưởng quá lớn đến việc làm, thu nhập của người trực tiếp làm việc trong nghề vận tải hành khách. Giờ không có việc làm, cũng chưa biết khi nào xe mới được chạy trở lại nên rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh để đời sống bớt phần khó khăn”. Nỗi niềm của anh Khánh cũng là tâm tư chung của rất nhiều người lao động làm việc trực tiếp trong ngành vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Ông Nguyễn Ðức Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long Ðiện Biên cho biết: Công ty có hơn 130 đầu xe, kinh doanh lĩnh vực chính là vận tải hành khách, taxi, vận chuyển du lịch; tạo việc làm cho gần 160 lao động ở các vị trí văn phòng, tổng đài; lái xe, phụ xe... với mức thu nhập từ 4 - 15 triệu đồng/người/tháng (tùy theo vị trí việc làm). Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lượng khách giảm mạnh; nhất là từ ngày 1/4 tới nay doanh nghiệp tạm dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách để góp phần phòng, chống dịch bệnh, toàn bộ người lao động nghỉ việc. Trước thông tin Ðiện Biên được đánh giá nằm trong nhóm các tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch bệnh thấp nên từ chiều 15/4 điện thoại di động của ông Long luôn trong tình trạng “nóng” máy khi liên tiếp nhận các cuộc điện thoại của khách hàng có nhu cầu đi lại hỏi về lịch trình, thời gian xuất bến đi - đến; đội ngũ lái xe, phụ xe liên lạc hỏi thông tin về xe khách, taxi khi nào được hoạt động trở lại để đi làm... Ông Long chia sẻ: Ðầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa, mua mới phương tiện vận tải hành khách hiện đại, nay hàng loạt xe nằm đó mà khách hàng có nhu cầu đi lại rất nhiều, còn người lao động của doanh nghiệp lại không có việc làm nên rất sốt ruột; doanh nghiệp thiệt hại rất lớn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Xác định ngành kinh doanh vận tải cũng giống như các ngành nghề kinh doanh khác đều bị thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, ông Long xác định sẽ dần khôi phục hoạt động khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Ðiều khiến ông lo lắng, quan tâm nhất là đời sống người lao động của doanh nghiệp khi thất nghiệp bên cạnh việc phải chi trả lãi suất vay vốn đầu tư cho việc nâng cấp, sửa chữa, cải tạo phương tiện vận tải.

Thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh, có khoảng 1.000 lao động trực tiếp làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải là thành viên của Hiệp hội bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; chưa kể tới hàng trăm lao động khác bị giảm giờ làm, thiếu việc làm. Ðời sống người lao động rất khó khăn và cần nhận được hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh trong thời gian sớm nhất. Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh cho biết: Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, thì hiện nay vấn đề an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái tạo sức lao động cho người lao động làm việc trong ngành vận tải sau dịch bệnh rất cần được quan tâm, xem xét, giải quyết kịp thời. Hiệp hội đã tiếp nhận, thống kê thực trạng đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động của các thành viên trong hiệp hội để báo cáo, đề nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết về vấn đề trợ cấp thất nghiệp, thực hiện bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian ngừng việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó là đề nghị có những giải pháp giúp các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế; giảm, giãn nợ; điều chỉnh thời hạn thanh toán lãi suất vay vốn từ các ngân hàng thương mại... để có thể khôi phục hoạt động, tạo việc làm cho người lao động.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top