Lao động nông thôn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19

10:39 - Thứ Hai, 27/04/2020 Lượt xem: 7434 In bài viết

ĐBP - Trong bối cảnh ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, nhiều lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tuần Giáo gặp khó khăn do mất việc làm. Người tha hương mòn mỏi chờ việc ở các vùng ngoại tỉnh, người trở về địa phương tằn tiện sống qua ngày. Hiện nay huyện Tuần Giáo đang khẩn trương rà roát các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch để hỗ trợ song theo quy định những lao động này sẽ không nằm trong danh sách.

Ði làm thợ xây ở tỉnh Bắc Giang mới được 20 ngày, anh Lò Văn Thanh (bản Kép, xã Chiềng Sinh) đã phải trở về địa phương do đơn vị ngừng sản xuất bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Với mức thu nhập 200 nghìn đồng/ngày công, vừa phải chi trả cho sinh hoạt hàng ngày lo tiền vé xe đi lại, anh Thanh chỉ cầm về được ít tiền cho gia đình. Mất việc ở Bắc Giang, gia đình thuộc hộ nghèo, trở về địa phương cũng không có việc làm, gia đình anh Thanh phải nhờ bố mẹ giúp đỡ để sống qua ngày... Ngay cạnh nhà anh Thanh là 2 trường hợp: Lò Văn Thư và Lò Văn Minh do ảnh hưởng của dịch bệnh nên “mắc kẹt” ở Hải Phòng không thể về địa phương. Cả 2 anh đều có vợ cùng đi làm ăn xa nên nhiều năm nay, các con nhỏ phải sống cùng ông bà. Thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh các anh gửi 1 - 1,5 triệu đồng/tháng về cho ông bà nuôi các con ăn học. Từ khi nghỉ việc do dịch bệnh, cả 2 đều không có tiền gửi về cho gia đình.

Ông Lò Văn Ðoàn, Trưởng bản Kép, xã Chiềng Sinh cho biết: “Hiện nay bản có 188 hộ với hơn 900 nhân khẩu, trong đó có hơn 20 lao động đi làm ăn ở ngoại tỉnh và nước ngoài thuộc diện quản lý. Còn thực tế thì con số này cao hơn rất nhiều, đó là những lao động tự do ngoại tỉnh hoặc lao động bất hợp pháp ở Trung Quốc. Gia đình tôi cũng có 2 con là: Lò Thị Thu, Lò Văn Lượng đi lao động tự do ở Hải Phòng cũng không về được bởi dịch bệnh. Nhu cầu cuộc sống đòi hỏi ngày càng nhiều, nguồn thu từ ruộng nương không đủ đáp ứng... là những lý do khiến nhiều người dân vùng cao đi làm ăn xa kiếm sống. Chồng rủ vợ, anh rủ em, những lao động nông thôn ở bản Kép cũng như nhiều bản khác của xã Chiềng Sinh đã và đang đi làm ăn xa đều gặp khó khăn.”

Những năm gần đây, hàng trăm lao động nông thôn ở các xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo chọn con đường ly hương kiếm sống. Khi xảy ra dịch bệnh, những lao động ngoại tỉnh còn có thể trở về gia đình còn người đi lao động nước ngoài, trong đó có không ít lao động cư trú bất hợp pháp phải ở lại xứ người. Theo thống kê từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo, hiện nay trên địa bàn có 267 người lao động ngoại tỉnh, 7 người đi lao động nước ngoài (theo chương trình xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc) thuộc diện quản lý. Song thực tế thì con số này lớn hơn rất nhiều bởi đa phần là lao động tự do tại các tỉnh thành trên cả nước và lao động trái phép sang Trung Quốc. Thực trạng trên diễn ra ở nhiều thôn, bản tập trung ở 2 xã: Chiềng Sinh, Chiềng Ðông.

Ông Phạm Văn Hạnh, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong thời gian chờ văn bản của các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn chính sách hỗ trợ người dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị huyện thực hiện rà soát, lập danh sách các đối tượng bị tác động của dịch bệnh Covid-19 để hỗ trợ. Những đối tượng được hưởng hỗ trợ gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng tại thời điểm đến ngày 31/3/2020. Theo đó, dự kiến huyện sẽ có 7.175 hộ nghèo, 3.009 hộ cận nghèo và 3.3008 đối tượng bảo trợ xã hội, 104 người có công với cách mạng sẽ được hưởng hỗ trợ theo quy định. Còn đối với lao động nông thôn, đặc biệt là lao động tự do ngoại tỉnh và làm thuê bất hợp pháp ở nước ngoài thì chưa có giải pháp hỗ trợ .

Theo quy định của Luật Lao động, người lao động nghỉ việc hoặc mất việc trong trường hợp dịch bệnh, người sử dụng lao động phải cùng khắc phục, chi trả và hỗ trợ những khoản kinh phí nhất định cho người lao động. Còn thực tế với huyện Tuần Giáo thì chủ yếu vẫn là lao động tự do hoặc bất hợp pháp bên kia bên giới, không phải là đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top