Qua 11 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, 8 ca tái dương tính:

Người dân cần tuân thủ phòng, chống dịch

10:37 - Thứ Ba, 28/04/2020 Lượt xem: 8049 In bài viết

Đến nay, Việt Nam đã 11 ngày không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nhưng lại ghi nhận 8 ca khỏi bệnh dương tính trở lại. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 27/4 yêu cầu, các Bộ, ngành căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế để tiếp tục rà soát các hướng dẫn cụ thể, đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo lĩnh vực quản lý. Mặc dù nước ta có ít ca bệnh mới nhưng vẫn có thể có mầm bệnh, có người mang virus.

Làm chủ 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã làm chủ 2 phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhằm phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới. Theo Bộ Y tế, trên thế giới hiện đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính COVID-19 là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phối hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm phát hiện gen (PCR) và xét nghiệm tìm kháng thể (chẩn đoán nhanh) sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự mắc SARS-CoV-2.

Tới nay, chúng ta đã xét nghiệm được khoảng 212.000 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 270 trường hợp mắc COVID-19, tỷ lệ khoảng 0,13%, là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát hiện dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm cao nhất thế giới. Bộ sinh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp PCR của Việt Nam đã được WHO, Vương quốc Anh công nhận chất lượng và có thể được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.

Về phương pháp xét nghiệm kháng thể, đến nay, mới chỉ có Hà Nội triển khai, sử dụng sinh phẩm của Hàn Quốc xét nghiệm tổng số 18.450 mẫu, phát hiện 50 trường hợp dương tính nhưng sau khi thực hiện xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR cả 50 trường hợp đều cho kết quả âm tính.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với một trường đại học của Nhật Bản nghiên cứu và phát triển thành công loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể có độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn nhiều so với các loại sinh phẩm chẩn đoán nhanh mà nhiều nước đang sử dụng.

Điểm khác biệt rất đáng chú ý là sinh phẩm chẩn đoán nhanh của Việt Nam sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác.

Là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể, Bộ Y tế đánh giá sinh phẩm chẩn đoán nhanh “Made in Vietnam” có nhiều ưu điểm như dễ sử dụng cho tất cả các tuyến, các cơ sở y tế tuyến huyện có thể xét nghiệm được do sử dụng hệ thống máy xét nghiệm sẵn có; độ an toàn cao (xét nghiệm qua mẫu máu); đặc biệt độ nhạy, độ đặc hiệu của sinh phẩm Việt Nam đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của nước ngoài chỉ đạt khoảng 70-75%.

Bên cạnh đó, qua đánh giá ban đầu, giá thành của sinh phẩm này rẻ hơn nhiều so với sinh phẩm nhập ngoại (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm)… Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm và đưa vào sản xuất hàng loạt.

Bộ Y tế khẳng định, sinh phẩm xét nghiệm nhanh của Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế các loại sinh phẩm tương tự của nước ngoài. Đặc biệt là, khi sinh phẩm này được công nhận và đưa vào sản xuất hàng loạt, chúng ta có thể chủ động sử dụng cả 2 phương pháp PCR phát hiện gen virus và xét nghiệm nhanh tìm kháng thể để chủ động sàng lọc, sớm phát hiện người mắc COVID-19.

Sau khi nghe ý kiến của Bộ Y tế, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao tinh thần chủ động của các cơ sở nghiên cứu khoa học, đồng thời thống nhất và kiến nghị Chính phủ cho sử dụng thêm loại sinh phẩm này để tiến hành xét nghiệm nhanh, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.

Không tụ tập đông người

Tính đến ngày 27/4, Việt Nam đã 11 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Nhưng trong những ngày qua, chúng ta ghi nhận 2 ca mắc từ nước ngoài về. Dịch bệnh trên thế giới diễn biến vẫn rất phức tạp, ngày 26/4 ghi nhận thêm 94.733 trường hợp mắc và 5.898 trường hợp tử vong. So với ngày 25/4, số mắc tăng 3,3% và tử vong tăng 3,0%. Đến chiều 27/4, toàn cầu ghi nhận gần 3 triệu người mắc COVID-19 tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, 207.000 (6,9%) trường hợp tử vong.

Sáng 27-4 nước ta đã ghi nhận thêm 3 ca tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh. Trước đó, Bộ Y tế cũng công bố 5 ca tái dương tính là bệnh nhân 188, 52, 149, 137 và 36. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 8 ca dương tính trở lại. Điều đáng nói là có bệnh nhân dương tính trở lại sau 15 ngày khỏi bệnh. Đó là nam bệnh nhân số 74 (SN 1997, quê ở Phú Thọ), từ Pháp về Việt Nam. Bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị và được công bố khỏi bệnh ngày 10/4, về nhà cách ly tại Phú Thọ.

Trong quá trình cách ly, bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở. Ngày 25/4, sau 14 ngày cách ly tại nhà, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, nghi ngờ dương tính lại với virus SARS-CoV-2, được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Trong thời gian cách ly tại nhà, bệnh nhân không đi đâu, không tiếp xúc với người khác ngoài 3 người trong gia đình. Cả 3 người này đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Hai ca tái dương tính còn lại là bệnh nhân 207 và bệnh nhân 224, đều có quốc tịch Brazil, đều liên quan đến quán bar Buddha và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân 207 có 3 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính và bệnh nhân 225 có 5 lần âm tính, được công bố khỏi bệnh lần lượt vào ngày 18 và 20/4. Tuy nhiên, khi khỏi bệnh về tiếp tục cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe tại nhà, cả 2 được xét nghiệm và đều cho kết quả dương tính trở lại.  

Theo các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 là virus mới, các nhà khoa học chưa nghiên cứu hết được tính năng, động lực của nó. Vì vậy, dù 11 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng nhưng không có nghĩa là đã an toàn. Bởi nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn rất cao, ổ dịch Hạ Lôi chưa hết cách ly, người ở các khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà vẫn còn nhiều. Tới đây, người nhập cảnh còn về, vì vậy không thể chủ quan, lơi lỏng các biện pháp phòng dịch.

Tụ tập đông người tại quán trà đá vỉa hè trên phố Nguyễn Du trưa 27/4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo lắng khi bài học từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore bị “làn sóng thứ 2” xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà không biết được. Nếu nước ta cũng như vậy, đến lúc đó, hệ thống y tế sẽ trong tình trạng rất khó khăn.

Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các địa phương tham khảo kinh nghiệm của một số tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh để đưa ra các bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, phòng, chống dịch phù hợp với các hoạt động trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bảo đảm được các loại thuốc có thể dùng cho những phác đồ điều trị COVID-19; tự sản xuất được khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ; máy thở; làm chủ phương pháp xét nghiệm, sàng lọc và phát hiện người nhiễm COVID-19. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang phải hết sức trách nhiệm vì cộng đồng, vì đất nước, cam kết trước khi xuất khẩu phải ưu tiên cho nhu cầu trong nước, bảo đảm chất lượng. Các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm.

 

Từ 4/5, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khám bảo hiểm y tế thuộc chương trình quản lý bệnh mãn tính

Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bắt đầu từ ngày 4/5, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện sẽ tiếp nhận và khám những bệnh nhân bảo hiểm thuộc chương trình quản lý bệnh mạn tính. 

Theo đó, chương trình quản lý các bệnh mạn tính gồm có các bệnh: Tim mạch, Hô hấp, Tiêu hoá, Lupus, Truyền nhiễm, Thận Tiết niệu, Thần kinh, Tâm thần, Huyết học, Ung bướu...

Những bệnh nhân BHYT thuộc chương trình quản lý bệnh mạn tính sẽ được khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai bắt đầu tiếp nhận từ ngày 4/5. Thời gian làm việc từ 5h30-16h30 tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7.

 Khi đến khám, Bệnh viện đề nghị người bệnh không đi cùng với người nhà, trừ trường hợp cần thiết (như người già yếu, tàn tật) được đi kèm 1 người nhà. Thực hiện khai báo y tế một cách trung thực. Luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước và sau khi vào phòng khám, giãn cách 2m…

Từ nay đến 3-5, Bệnh viện chỉ tiếp nhận các ca bệnh nặng, nguy kịch vượt quá khả năng của tuyến dưới.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top