Những thành tựu văn hóa - xã hội đáng tự hào

09:50 - Thứ Tư, 06/05/2020 Lượt xem: 8853 In bài viết

ĐBP - 66 năm sau Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” Ðiện Biên đang từng ngày đổi mới. Từ một bãi chiến trường với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, Ðiện Biên hôm nay đã vươn mình, đạt nhiều thành tựu đáng tự hào về mọi mặt, nhất là văn hóa - xã hội.

Với nhiều chính sách đầu tư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học ở tỉnh ta được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới. Trong ảnh: Giờ học của thầy và trò Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Vì (xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé).

Bước vào giai đoạn dựng xây và kiến thiết, Ðảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đồng tâm, hiệp lực ổn định đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, Ðiện Biên trong tình cảnh gian khó về mọi mặt. Ðời sống nhân dân khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn... Sau giải phóng, hệ thống giáo dục Ðiện Biên trong tình trạng bộn bề khó khăn, lớp học được dựng tạm bợ bằng tranh, tre, nứa lá; 99% đồng bào các dân tộc Tây Bắc mù chữ. Ðội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng. Ðời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều hủ tục... Mãi tới năm 1959, với chủ trương lên xây dựng vùng kinh tế mới, hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng và Bác Hồ, 860 giáo viên đã tình nguyện lên phục vụ miền núi đem theo con chữ vượt dốc, băng đèo “thắp sáng” bản mường vùng cao, mở ra một trang sử mới trong sự nghiệp giáo dục Tây Bắc nói chung, Ðiện Biên nói riêng. Cũng trong điều kiện hoàn cảnh hết sức khó khăn, ngành Y tế Lai Châu (nay là Ðiện Biên và Lai Châu) được thành lập ngày 1/5/1953 với bộ máy sơ khai, chưa có bác sĩ, thiếu thuốc men. Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, đến tháng 11/1954, Bệnh xá tỉnh vỏn vẹn 30 giường bệnh được thành lập từ Ðội cấp cứu và đào tạo cứu thương. Tháng 2/1955 đổi tên Bệnh xá thành Bệnh viện châu Mường Lay. Trong điều kiện thiếu thốn, các loại dịch bệnh hoành hành, những chiến sĩ áo trắng đã không ngừng nỗ lực, không ngại hi sinh để chăm lo sức khỏe cho nhân dân.

Trải qua hơn 6 thập kỷ xây dựng và trưởng thành; nhất là sau chia tách thành lập 2 tỉnh: Ðiện Biên - Lai Châu theo Nghị quyết số 22/2003/QH11, ngày 26/11/2003 của Quốc hội, dưới ánh sáng nghị quyết của Ðảng, sự đầu tư của Chính phủ và trên hết là sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, HÐND - UBND tỉnh đã tập hợp được ý chí, sức mạnh của cộng đồng 19 dân tộc anh em tỉnh nhà, tạo nên những bước ngoặt lịch sử, những đột phá mới về mọi mặt, nhất là lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Vượt lên những khó khăn, thử thách, sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tỉnh ta đã có nhiều tiến bộ, gặt hái nhiều thành tựu quan trọng: Ðội ngũ nhân lực y tế tăng cả về số lượng và chất lượng. Số liệu cuối năm 2019, toàn tỉnh Ðiện Biên có 4.071 nhân viên y tế. Các cơ sở khám, chữa bệnh được quan tâm đầu tư cả về hạ tầng lẫn trang thiết bị hiện đại (siêu âm 4 chiều, X-quang kỹ thuật số, máy thở CPAP, hệ thống nội soi chẩn đoán và điều trị...). Ðiện Biên cũng triển khai được nhiều kỹ thuật vượt tuyến tại tỉnh. Hiện nay, tuyến tỉnh có 5 bệnh viện với quy mô 830 giường bệnh; 10 trung tâm y tế tuyến huyện với 999 giường bệnh; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 12,2; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc là 96,9%. Ðặc biệt, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 95%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,7%.

Ðến nay ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðiện Biên đã có những thay đổi tích cực. Với sự tận tâm, tận lực “tất cả vì học sinh thân yêu” của đội ngũ cán bộ, giáo viên các thế hệ, tới nay ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh nhà đã vươn lên tầm cao mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, mạng lưới trường, lớp học đã được phủ kín khắp các bản mường từ thành thị đến vùng cao, biên giới. Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 531 trường, trung tâm với 198.261 học sinh, sinh viên; 16.055 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư đồng bộ với 9.052 phòng học, tỷ lệ phòng kiên cố đạt 67,5%; bán kiên cố 24,3%; 326 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%; 129/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Ðặc biệt, tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2019, tỉnh Ðiện Biên đạt 17 giải; Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia có 2/6 dự án đạt giải.

Sau 66 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, Ðiện Biên đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt là trong xây dựng gia đình văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc, xây dựng nông thôn mới... thể hiện thành quả, nỗ lực của cả Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ðiện Biên. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, đúng đắn của Tỉnh ủy, HÐND - UBND tỉnh, sự quyết tâm, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trên hành trình mới, tin rằng trong tương lai, Ðiện Biên sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng quê hương Ðiện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top