Ðổi thay trên căn cứ cách mạng Pú Nhung

09:52 - Thứ Tư, 06/05/2020 Lượt xem: 8604 In bài viết

ĐBP - Ðến xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) - nơi từng là căn cứ cách mạng của Ban Cán sự Ðảng tỉnh Lai Châu (cũ) trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng tôi nhìn thấy một diện mạo bản làng trù phú với những cánh đồng chuyên canh cây nông nghiệp xanh ngát, trải dài, xen kẽ những ngôi nhà mái tôn đỏ thắm có lá cờ Tổ quốc tung bay bên hiên.

Mô hình chuyên canh trồng cây dứa của người dân xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo).

Ðón chúng tôi tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở trung tâm xã Pú Nhung, ông Vừ A Kỷ, Phó Chủ tịch UBND xã tự hào chia sẻ: “Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân xã Pú Nhung chúng tôi một lòng theo cách mạng, phục vụ chiến đấu, xuất hiện những anh hùng cách mạng, như: Sùng Phái Sinh, đội trưởng đội du kích xã Pú Nhung, kiên cường, sáng suốt, ngăn chặn được nhiều cuộc càn quét của quân địch; Vừ A Dính gan dạ, mưu trí, làm liên lạc cho cách mạng, bị địch bắt, tra tấn nhưng vẫn một lòng kiên trung không khai báo cơ sở cách mạng. Thế hệ trẻ trong xã luôn khắc ghi niềm tự hào, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong kháng chiến để làm rạng danh quê hương. Tiếp nối truyền thống anh hùng trong kháng chiến, người dân xã Pú Nhung một lòng đoàn kết, tin tưởng vào đường lối, chính sách của địa phương; bà con trong xã luôn đoàn kết, nỗ lực cùng nhau xóa đói, giảm nghèo. Từ một xã với 100% hộ nghèo sau chiến tranh, giờ đây xã tôi đã vươn mình phát triển, trở thành xã điểm trong 129 đơn vị cấp xã của tỉnh Ðiện Biên về nỗ lực xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 10%...”.

Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình chuyên canh cây nông nghiệp (ngô, đậu tương, lạc, sắn, dứa...) trong xã, ông Vừ A Kỷ cho biết thêm: Từ khi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, với hàng loạt chương trình hỗ trợ, đầu tư nhằm xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh, cùng sự nỗ lực của cán bộ và người dân, xã Pú Nhung đã từng bước chuyển mình. Mặc dù địa hình đồi dốc, đất rộng, khô cằn và đồng bào lại sống phân tán, nhưng ý thức tự lực, từ cường của bà con rất rõ rệt. Bà con không trông chờ, ỷ lại vào các chế độ hỗ trợ mà chịu khó học hỏi, đưa kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm gieo trồng. Bên cạnh các loại cây truyền thống, như ngô, đậu tương, thì giờ đây bà con còn trồng thêm nhiều loại cây mới như cây mía xương đen, cây dứa, sắn… Ðặc biệt, với cây sắn chi phí đầu tư thấp, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đơn giản, đầu ra khá ổn định, lại được giá nên bà con tích cực đưa vào trồng với diện tích ngày càng lớn. Gia đình trồng ít từ 2.000 - 3.000m2, gia đình trồng nhiều 1 - 2ha, có hộ trồng tới 5 - 6ha, năng suất cũng đạt từ 85 - 90 tạ/ha. Sau thu hoạch, trừ chi phí, mỗi héc ta bà con lãi trên 35 triệu đồng/năm.

Nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới cây giống và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng, nhiều hộ nông dân ở Pú Nhung đã vươn lên làm giàu, làm gương cho các hộ khác noi theo. Như gia đình ông Mùa Súa Vừ ở bản Phiêng Pi A. Trước đây, vài héc ta nương lúa, ngô giống cũ cho thu hoạch mỗi năm một vụ, không giúp gia đình ông Vừ thoát nghèo. Không cam chịu đói nghèo mãi, ông Vừ quyết tâm vay vốn Hội Nông dân để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo đất nương để trồng mía, dứa... Sau gần 3 năm, từ việc bán cây mía, quả dứa mỗi năm 2 vụ, gia đình ông Vừ đã nhanh chóng thoát nghèo, mua được các vật dụng tiện nghi cho gia đình như xe máy, máy xát thóc, xe tải chở nông sản... Chia sẻ với chúng tôi, ông Vừ kể: “Tiếp nối truyền thống yêu nước, đánh giặc của cha ông trong kháng chiến, tôi luôn căn dặn các con cháu phải cố gắng xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế gia đình. Chính vì thế, bản thân tôi cũng phải nỗ lực lao động để làm gương. Giờ đây, nhiều hộ dân trong bản đã phát triển mô hình trồng chuyên canh cây mía, dứa như gia đình tôi và cũng thoát nghèo, có điều kiện tốt cho con cháu ăn học...”.

Không chỉ nỗ lực trong xóa đói, giảm nghèo, người dân Pú Nhung còn thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới rất tốt, giúp cho diện mạo của xã ngày càng thay đổi. Trên đường bê tông liên xã được đầu tư theo chương trình nông thôn mới, chúng tôi thấy các cán bộ, thanh niên xã Pú Nhung cùng bà con nhân dân đang dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chỉnh trang ngõ bản sạch đẹp. Anh Sùng A Páo, Bí thư Ðoàn Thanh niên xã chia sẻ: “Sắp tới ngày kỷ niệm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ nên chúng tôi vận động bà con nhân dân trong xã tổ chức lao động, dọn dẹp môi trường để đón khách du lịch tới tham quan, thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ ở Nhà tưởng niệm. Thật ra, ý thức tự giác bảo vệ môi trường sạch sẽ đã trở thành truyền thống của bà con ở xã tôi rất lâu rồi. Mỗi năm cứ vào các dịp ngày lễ của địa phương và đất nước, bà con các bản lại tự giác dọn dẹp sạch sẽ môi trường, treo cờ Tổ quốc trước hiên nhà và bảo nhau giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Chính điều đó giúp xã tôi nhanh chóng hoàn thiện nhiều tiêu chí về nông thôn mới. Ðến nay, Pú Nhung đã trở thành xã điểm về nông thôn mới của huyện Tuần Giáo”.

Từ ý thức tự lực, tự cường và truyền thống cách mạng của người dân trong xã, Pú Nhung từ vết tích hoang tàn của chiến tranh ngày nào đã thay da, đổi thịt, với những ngôi nhà kiên cố, khang trang; đời sống kinh tế, dân trí của bà con ngày càng được nâng lên, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện Tuần Giáo.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top