Tự hào ký ức Ðiện Biên

09:36 - Thứ Năm, 07/05/2020 Lượt xem: 9560 In bài viết

ĐBP - Lật giở những trang sử vẻ vang của Ðiện Biên vào những ngày tháng Năm lịch sử, khiến chúng tôi nhớ đến những chiến sĩ Ðiện Biên của 66 năm về trước. Những câu chuyện mộc mạc, cảm động của các cựu chiến binh kể về tinh thần chiến đấu quả cảm, hi sinh anh dũng của quân và dân ta trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ luôn là những ký ức vô cùng tự hào để thế hệ trẻ luôn trân trọng và mãi mãi noi theo…

Cựu chiến binh Quàng Văn Pản (bên phải) kể lại những ngày cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Chiến sĩ Ðiện Biên - những người mà cố nhà thơ Tố Hữu đã viết: Chiến sĩ đầu nung lửa sắt; 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt… mà “gan không núng, chí không mòn”. Với họ, quãng thời gian đó là niềm tự hào, kỷ niệm không bao giờ quên vì được sống, chiến đấu, trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Người đầu tiên chúng tôi nhớ tới là Cựu Chiến binh Vũ Khắc Man, tổ dân phố 4, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ). Thời còn tại ngũ, ông được biên chế tại Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Ðại đoàn 316. Trong ký ức của mình, trận chiến ông Man tham gia tuy không ác liệt và nhiều thương vong như tại Ðồi A1 nhưng lại kéo dài nhất so với việc tiêu diệt các cứ điểm khác của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Ông Man kể lại: Trong đợt tấn công thứ 2 vào khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, đơn vị ông được giao nhiệm vụ giải phóng cứ điểm C1, C2. Do các cao điểm quan trọng phía đông đều nằm dưới tầm hỏa lực của ta nên đơn vị ông nhanh chóng làm chủ được C1. Thất thủ ở C1, địch rút sang C2 sử dụng hỏa lực ở đây bắn lên C1 hòng chiếm lại, gây nhiều thương vong cho bộ đội ta nhưng vẫn chưa thể giành lại thế chủ động. Trong nhiều ngày sau đó, địch liên tục chi viện, mở nhiều đợt phản kích. Ông cùng đồng đội bình tĩnh, anh dũng chiến đấu đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa. Dưới sự yểm trợ của pháo, xe tăng, máy bay, địch mở đợt phản kích lớn, cuộc chiến đấu diễn ra ở đây trong tình thế giằng co quyết liệt, mỗi bên làm chủ nửa quả đồi. Phải có mặt ở thời điểm đó mới có thể cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh. Trong thế giằng co ấy, biết bao đồng đội của ông phải nằm lại mảnh đất này khi còn rất trẻ. Nhưng hi sinh chưa hẳn đã là điều mất mát lớn nhất. Nhiều chiến sĩ bị thương nhưng địch bắn pháo, bỏ bom ác liệt nên đồng đội không thể vào đưa về tuyến sau để chữa trị được. Nhìn đồng đội mình quằn quại trong đau đớn, cố gắng giành giật giữa sự sống và cái chết, ông thấy lòng mình thắt lại, càng nắm chắc tay súng, quyết tâm hơn tiêu diệt kẻ thù.

Ðến ngày 6/5, đồng thời với trận chiến tại đồi A1, đơn vị ông mở đợt tấn công cứ điểm C2. Ngay từ đầu quân ta thọc sâu tiêu diệt trận địa pháo, tiến vào trận địa phòng ngự của địch. Nhưng địch dựa vào công sự mạnh, ngoan cố chống cự và liên tục phản kích, cắt đứt đội hình chiến đấu của ta. Cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch kéo dài suốt đêm hôm ấy. Trước sức mạnh tấn công như vũ bão của quân ta, quân địch không chống cự nổi và buông súng ra hàng. Ðến 12 giờ ngày 7/5, cứ điểm C2 đã thất thủ hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta tiếp tục vượt sông Nậm Rốm, giành thắng lợi cuối cùng…

Còn trong trí nhớ của Cựu Chiến binh Quàng Văn Pản, bản Cang 1, xã Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ) là phút giây quân ta giương cao ngọn cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm tướng Ðờ - cát. Vào thời khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 7/5, tướng Ðờ - cát và toàn bộ Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ ra đầu hàng, ông như vỡ òa trong sung sướng. Khi ấy, ông được phân công làm công tác vận động quần chúng thuộc Trung đoàn 148, Ðại đoàn 316. Ông vẫn nhớ rõ cảnh quân Pháp xếp thành hàng dài, giương cờ trắng đầu hàng. Dưới sự hướng dẫn của bộ đội ta, hàng binh đi thành 2 lối: Cầu Mường Thanh và cầu phao để vượt qua sông Nậm Rốm. Những tên chỉ huy của địch vẫn chống ba - toong đi đằng trước. Ngay sau đó, đơn vị ông tập trung ở ngay dưới chân đồi A1 để kiểm tra lại quân số xem ai còn, ai mất, ai bị thương. Ông chợt nhận ra nhiều người đồng đội đã từng vào sinh ra tử với mình đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Ðiều đó khiến cho niềm vui chiến thắng bỗng nhiên chùng xuống trong ông… Cũng ngay tại dưới chân đồi A1, ông vinh dự được gắn lên ngực áo chiếc huy hiệu Chiến sĩ Ðiện Biên. Ðó là niềm vinh dự, tự hào đối với ông, với những người lính đã làm nên chiến thắng. Từ đó đến nay, chiếc huy hiệu Chiến sĩ Ðiện Biên trở thành báu vật được ông nâng niu, gìn giữ. Bởi đó không chỉ là sự ghi nhận, tri ân mà còn gợi cho ông ký ức về những ngày tháng hào hùng của dân tộc. Ðể mỗi khi nhớ lại, ông lại cảm thấy tự hào vì mình là một người lính được vinh dự tham gia trong trận chiến lịch sử mang tên Ðiện Biên Phủ.

66 năm đã trôi qua, mảnh đất chiến trường xưa nay đã thành đô thị khang trang, hiện đại. Nhiều chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa nay cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đất nước thời hậu chiến, yên lòng an nghỉ bên những đồng đội năm xưa. Thế nhưng chắc chắn rằng những trang sử vẻ vang mà họ viết lên sẽ luôn còn mãi với thời gian. Ðể sau này mỗi khi nhắc lại, hậu thế sẽ vẫn tự hào về ký ức một thời oanh liệt của cha, ông với chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top