Con đường của tuổi thanh xuân xung phong và cống hiến

09:45 - Thứ Năm, 07/05/2020 Lượt xem: 9048 In bài viết

ĐBP - Hơn 5.400 thanh niên tham gia mở hơn 70km đường từ Tuần Giáo đến Ðiện Biên trong 5 năm (1959 - 1963). Ðó là những con số biết nói. Bài viết này sẽ thay các cựu thanh niên xung phong (TNXP) mở đường năm xưa kể lại những năm tháng gian khó, hiểm nguy, vất vả để tuyến đường lên với Ðiện Biên được thông suốt.

Một đoạn trên tuyến quốc lộ 279 Tuần Giáo - Ðiện Biên hôm nay.

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, chiến sĩ Ðiện Biên Nguyễn Hữu Chấp (hiện sinh sống tại tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ) được giao trọng trách về các tỉnh miền xuôi tuyển TNXP lên mở đường. Ông đi khắp các tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây, Thanh Hóa, Nam Ðịnh. Ðến đâu cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những thanh niên tuổi 19, 20. Ông Chấp nhớ lại: “Khi tuyển quân, tôi luôn nói rõ ràng, thẳng thắn là lên Tây Bắc rất khó khăn, đồng chí nào xác định tư tưởng chịu được khổ cực, vất vả thì đi. Thế nhưng ai cũng thích đi, sôi nổi đăng ký, nhiều người gia đình không đồng ý vẫn nhất quyết xin đi”. Với khí thế ấy, trong suốt những năm mở đường, biết bao tốp thanh niên đã rời làng quê lên vùng núi cao, hiểm trở, thiếu thốn trăm bề để cùng chung sức mở thông những tuyến đường. Ðoạn đường từ trung tâm huyện Tuần Giáo đến TP. Ðiện Biên Phủ ngày nay đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của những TNXP đang ở độ tuổi đẹp nhất đời người.

Như lời cán bộ tuyển quân đã nói trước, cuộc sống mới của các TNXP gặp không ít gian khó. Cả tuyến đường được gọi chung tên Công trường 426, TNXP chia làm nhiều đội, nhận nhiệm vụ từng đoạn khác nhau. Các đội tự làm lán sát mặt đường hoặc ở nhờ nhà dân bản gần đấy. Hàng ngày ăn cơm nếp độn sắn, ngô là chủ yếu. Nhưng nhiều khi ngô mọt, sắn mốc, gạo để lâu. Thỉnh thoảng bữa ăn có thêm cá khô, cá hộp, nước mắm được tiếp tế từ dưới xuôi lên. Ðồng bào bản địa không trồng rau, nên TNXP phải hái ngọn tàu bay, rau rừng cho bữa cơm có thêm đồ xanh. Vì vậy, song song với công việc mở đường, mỗi đại đội cử 1 tiểu đội tăng gia sản xuất. Ông Lê Thanh Bình (hiện sinh sống tại tổ dân phố 5, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ), thuộc Ðại đội 33, Công trường 426, tham gia mở đường từ những ngày đầu tiên, kể lại: “Thanh niên miền xuôi chúng tôi quen ăn cơm tẻ hàng ngày. Lên đây bữa nào cũng cơm nếp độn sắn, ngô, nhiều người không ăn được, có chị em khóc suốt. Khi có gạo tẻ là cả đội ưu tiên người ốm và phụ nữ. Nhiều lúc thèm lắm 1 bát cơm tẻ chan nước canh, nhưng lâu dần thì cũng quen với đồ nếp”.

Cuộc sống sinh hoạt đã thiếu thốn, công trường còn vất vả, gian khổ hơn nhiều. Ðường cũ bị bom đạn cày xới, chỉ vừa 1 chiếc xe đi, 2 vệt bánh xe lún sâu mặt đường, còn giữa đường gồ cao, cỏ mọc xanh tốt. Công việc của TNXP là san lấp mặt đường, mở rộng đường, hạ dốc, cắt cua. Từ tuyến đường rộng khoảng 2,5 - 3m thành 5 - 6,5m. Và làm hoàn toàn thủ công với xà beng, cuốc, xẻng… Thủ công từ việc chặt tre, gỗ kè tà luy, đan sọt, chế tạo xe để đựng đất đá. Ông Lê Thanh Bình chia sẻ: “Cả đoạn đường nhiều vách đá cao, để mở rộng đường, có lúc chúng tôi đặt mìn phá đá, lấy đá ghép mặt đường cho xe đi, nhưng chủ yếu vẫn là dùng xà beng chọc, đập đá. Ðá cứng; xà beng, cuốc, xẻng đều cứng; tay thì mềm. Lòng bàn tay ai cũng chai sần, xưng lên, tứa máu. Nhiều ngày mới làm được 1 đoạn ngắn, khó khăn nhất vẫn là đoạn đèo Tà Cơn và đèo Tằng Quái”.

Ngoài đội của ông Bình, Công trường 426 có Ðại đội 36 với 500 người đều là nữ. Vốn được cho là chân yếu tay mềm nhưng khi ra công trường lao động, các nữ TNXP không hề thua kém đội nam. Bà Ðoàn Thị Nuôi, hiện sinh sống tại tổ dân phố 5, phường Him Lam, kể lại: “Chúng tôi buộc dây an toàn vào bụng, cột dây vào gốc cây trên đồi để treo mình bên vách đá, dùng rìu, búa, xà beng, cuốc… phá đá, đào đất từ trên cao xuống. Những đoàn viên ưu tú, gan dạ, nhanh nhẹn được giao trọng trách này. Tôi cũng nhiều lần xung phong treo mình trên vách đá làm nhiệm vụ. Lần khác làm đoạn đường sát suối, với lối xuống sâu hơn 100m. Chúng tôi cần đá để làm mặt đường mà cả đoạn dài không có vách đá, phải gánh từ dưới suối lên. Tôi là một trong những người gánh được nhiều nhất - 6 sọt đá trong 1 buổi sáng, được thưởng ngay... 1 bát chè đỗ đen!”.

Công việc không chỉ vất vả mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ðã có nhiều TNXP Công trường 426 bị thương, thậm chí hi sinh khi mở đường. Ông Nguyễn Hữu Chấp dù đã hơn 90 tuổi vẫn nhớ rõ tên từng đồng chí của đội mình nằm lại tại tuyến đường này. Khi ấy ông là Ðại đội trưởng Ðại đội 33 của Công trường. Ông kể rõ từng người hi sinh, đó là chàng trai người Hà Ðông, nhỏ tuổi nhất đội Nguyễn Văn Hải, cùng các đồng chí Ðặng Quốc Bộ, Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Chí Thanh. 4 chàng trai cùng 1 tổ mở đường, đào phải 1 quả mìn cóc, mìn bật lên phát nổ khiến cả 4 cùng hi sinh. Nhắc đến đây, ông Chấp trầm tư, nhiều tiếc nuối và day dứt. Sau đó cả công trường ngừng lại, để đội Công binh 316 dò, phá mìn xong lại tiếp tục công việc. Ðể hoàn thành tuyến đường đã không ít người nằm xuống nơi đây. Ngày nay, tại Nghĩa Trang Liệt sĩ Nà Tấu, xã Nà Tấu, TP. Ðiện Biên Phủ có 20 ngôi mộ của TNXP hi sinh tại tuyến đường này.

Những tai nạn gây thương vong đã khiến cho một số thanh niên có lúc dao động về tư tưởng. Nhưng dù gian khổ, nguy hiểm như vậy, các TNXP vẫn gắn bó với Công trường, cố gắng làm tốt nhiệm vụ, hoàn thành tuyến đường vào tháng 12/1963. Bà Ðoàn Thị Nuôi chia sẻ thêm: “Những ngày mở đường thật sự gian khổ, cũng có những lúc nản lòng. Nhưng khi xung phong đi tôi đã hứa không bao giờ chùn bước và hô to khẩu hiệu “Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!” trước các đoàn thể ở quê nhà nên tôi luôn động viên mình phải cố gắng. Tôi tự nhắc nhở bản thân rằng mình là thanh niên phải tiên phong, gương mẫu, đã có biết bao người đổ mồ hôi, xương máu nơi chiến trường thì mình vất vả một chút có là gì”. Nhờ có cống hiến, hi sinh to lớn của những TNXP mà tuyến đường Ðiện Biên - Tuần Giáo được đảm bảo, thông suốt để các xe chở dầu hỏa, gạo, muối, khắc phục hậu quả chiến tranh lên được với đồng bào các dân tộc Lai Châu khi ấy. Và giờ đây, là tuyến đường huyết mạch - quốc lộ 279, cho những chuyến xe chở hàng hóa cung ứng cho địa phương, du khách đến với chiến trường xưa, đưa nông sản Ðiện Biên xuất đi ngoại tỉnh, đóng vai trò quan trọng để tỉnh phát triển, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top