Góc nhìn và tiêu điểm

Chuyện quả dứa

10:32 - Thứ Năm, 07/05/2020 Lượt xem: 9474 In bài viết

ĐBP - Những ngày cuối tháng Tư, dứa quả tăng thêm vài giá, có thời điểm 7.000 đồng/kg. Mừng cho người trồng dứa Mường Chà bởi trước đó không lâu, giá dứa giảm kịch sàn xuống còn 1.000 đồng/kg, người trồng dứa lao đao trước nguy cơ một vụ dứa trắng tay. Theo tính toán, cộng các chi phí đầu tư, chăm sóc nếu giá dứa dưới 4.000 đồng/kg sẽ không có lãi. Nếu giá dứa duy trì như vậy, người trồng dứa có quyền nghĩ tới việc bù lỗ, thậm chí còn kỳ vọng một vụ trồng dứa có lãi.

Nhìn vào giá dứa, nhìn sự phấn khởi của người dân náo nức lên nương chặt dứa, chứng kiến không khí rộn ràng tại các điểm đầu mối gom dứa… thì thật đáng mừng. Vì không chỉ riêng quả dứa mà đối với bất kỳ một sản phẩm nông nghiệp nào khác, được mùa mà được cả giá thì mừng lắm chứ!

Thế nhưng, sự vui mừng phấn khởi ấy có ổn định không, có lâu bền không? Câu trả lời e rằng là “khó”! Có thể niềm vui sẽ kéo dài hết niên vụ này nhưng liệu có dài sang vụ tới? Xa hơn là sự ổn định đầu ra cho một sản phẩm nông nghiệp, để người sản xuất không phải lo lắng đến chuyện “được mùa mất giá”? Ðây là câu chuyện còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Tổng diện tích trồng dứa trên địa bàn huyện Mường Chà hiện có gần 300ha. Ðến nay huyện có 2 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này song chỉ có Hợp tác xã Na Sang hoạt động hiệu quả, gồm 69 hộ tham gia liên kết với diện tích 110ha dứa. Hợp tác xã là đơn vị đứng ra thu gom sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ cho các thành viên. Hiện nay, hợp tác xã đã liên kết và ký được hợp đồng tiêu thụ dứa quả trong 5 năm với một công ty xuất khẩu nông sản ở một tỉnh miền xuôi. Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn của Hợp tác xã Na Sang. Ðặc biệt trong thời gian cao điểm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tháng Tư vừa qua, rất nhiều sản phẩm của nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, quả dứa Mường Chà cũng chịu chung số phận. Khi tạm dừng các loại hình vận chuyển liên tỉnh, công ty không thể lên Mường Chà thu mua trong khi dứa chín đầy nương, đầy đồi. Nhân cơ hội, các tư thương liên tục ép giá, đến mức thấp kỷ lục (1.000 đồng/kg) thì nhiều hộ trồng dứa bỏ mặc cho dứa chín thối, không thu hoạch nữa. Sau đó, bằng nhiều nỗ lực của Hợp tác xã Na Sang, công ty đã tái khởi động được việc vận chuyển. Một phần diện tích dứa Mường Chà được cứu, một bộ phận người trồng dứa Mường Chà cũng được cứu!

Như vậy, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, những hộ tham gia liên kết với hợp tác xã, thực hiện cam kết hợp đồng tiêu thụ với công ty chế biến vẫn có đầu ra cho sản phẩm, cho dù có gặp nhiều khó khăn và giá bán không cao. Xét về một mặt đó là sự ổn định.

Sự ổn định đó thì những hộ trồng dứa ngoài hợp tác xã không có, cho dù họ đang bán được dứa với giá cao hơn. Nói cách khác là sản phẩm của gần 2/3 diện tích dứa Mường Chà chưa có đầu ra ổn định! Khi công ty xuất khẩu nông sản, với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phải cắt giảm nhân công, tạm dừng một số dây chuyền chế biến… chỉ cố gắng thu mua dứa với giá từ 3.000 - 4.500 đồng/kg, thì những hộ trồng dứa ngoài hợp tác xã vẫn bán được với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg bởi tư thương nâng giá để cạnh tranh với công ty.

Giá thu mua của công ty chưa giúp người trồng dứa có lãi nhưng cũng không lỗ vốn. Những hộ dân tham gia liên kết có thể vẫn buồn, nhưng bằng lòng vì họ tránh được một vụ dứa thất bại, và chuẩn bị tâm thế cho kế hoạch vụ sản xuất sau. Còn những hộ bán được giá cao, vui đấy nhưng chỉ là “vui xổi” bởi hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương. Những tư thương ở các tỉnh lân cận mua dứa về đổ lại cho các nhà hàng, quán ăn, đại lý bán lẻ… Họ luôn làm chủ về nguồn tiêu thụ và đương nhiên là về giá. Mọi thiệt thòi chỉ người trồng dứa gánh chịu! Việc ép giá trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 là minh chứng rõ ràng.

Nông dân là thành tố quan trọng nhất của kinh tế nông nghiệp, trong khi trên địa bàn tỉnh ta cơ bản vẫn là kinh tế thuần nông, đời sống đa số người dân vẫn phụ thuộc sản xuất nông nghiệp. Ðể nông nghiệp cất cánh và phát triển bền vững cần có định hướng và kế hoạch khoa học, năng suất - chất lượng phải gắn với đầu ra sản phẩm ổn định. Câu chuyện quả dứa cũng là vấn đề chung của nhiều sản phẩm nông nghiệp khác. Chính quyền, cơ quan quản lý, nhà chuyên môn, doanh nghiệp phải vào cuộc, đồng hành cùng nông dân để xây dựng các chuỗi liên kết, các mối quan hệ hợp tác phát triển bền vững chứ không để phát triển tự phát, mạnh ai nấy trồng cây, nuôi con gì đó. Liên kết sản xuất sẽ tạo sức mạnh cho nông dân, một “bó đũa” - hợp tác xã, nhóm liên kết sẽ vững chắc hơn so với từng “chiếc đũa” - hộ cá thể. Từng “chiếc đũa” có thể bị bẻ gẫy bất cứ lúc nào và câu chuyện “được mùa mất giá” sẽ không có hồi kết.

Duy Bình
Bình luận
Back To Top