Tích cực phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh

09:22 - Thứ Sáu, 08/05/2020 Lượt xem: 9523 In bài viết

ĐBP - Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh hay huyết tán bẩm sinh là bệnh thiếu máu do tan máu, thuộc nhóm bệnh di truyền. Ở bệnh nhân tan máu bẩm sinh, các hồng cầu bị phá hủy quá mức dẫn đến tình trạng thiếu máu, kéo dài suốt đời bệnh nhân. Nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động... Do đó, tan máu bẩm sinh gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi, ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân và cả cộng đồng.

Cán bộ dân số xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại bản Hua Nạ, xã Chiềng Đông. Ảnh: C.T.V

Tan máu bẩm sinh là bệnh lý của tế bào hồng cầu trong máu. Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng: Tế bào hồng cầu có khả năng tồn tại khoảng 120 ngày sau đó vỡ ra. Ðối với người bị bệnh tan máu bẩm sinh thì tế bào hồng cầu vỡ ra sớm hơn và nhiều hơn người bình thường nên gây ra tình trạng thiếu máu và ứ đọng sắt trong cơ thể. Tủy xương phải làm việc nhiều hơn để sản xuất hồng cầu. Chính sự hoạt động quá sức này khiến cho xương biến dạng nhiều hơn, do đó, những người bệnh thường có đặc điểm giống nhau như: Trán dô, xương sọ u ra, mũi tẹt, xương hàm trên nhô ra. Người mắc bệnh tan máu bẩm sinh phải truyền máu cả đời, điều trị muộn, điều trị không đúng phác đồ sẽ gây ra rất nhiều biến chứng như: mũi bị tẹt, răng hô, ngực nhô, thấp bé, sạm da… Thậm chí, có nhiều người đã tử vong sớm vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 13 triệu người, tương đương với 10% dân số mang gen bệnh. Ước tính mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó có khoảng 2.000 ca bệnh nặng. Ðiều này cho thấy số lượng người mang gen bệnh trong cộng đồng còn rất cao nhưng nhiều người thậm chí vẫn chưa hề biết mình đang có nguy cơ sinh ra trẻ bị tan máu bẩm sinh. Không chỉ vậy, một trong những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là do kết hôn cận huyết. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ người dân tộc thiểu số mang gen bệnh và mắc bệnh này chiếm tỷ lệ khá cao, (từ 20 - 40%).

Ðiện Biên là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% dân số toàn tỉnh. Mặc dù đã giảm nhưng tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vẫn xảy ra nên nguy cơ mắc bệnh tan máu bẩm sinh vẫn còn tiềm ẩn. Dù chưa có số thống kê cụ thể nhưng đã có không ít trẻ sinh ra trên địa bàn tỉnh phải mang căn bệnh này. Bà Phạm Thị Hiền, Phòng Dân số - KHHGD (Chi cục Dân số - KHHGÐ tỉnh) cho biết: Ðể phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh, đơn vị đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tác hại của bệnh lồng ghép với nội dung về công tác dân số - KHHGÐ trên địa bàn toàn tỉnh. Ðối tượng tập trung chủ yếu vào đối tượng là già làng, trưởng bản, trưởng họ, các bậc cha mẹ và học sinh ở các trường: Nội trú, THPT và THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, hệ thống dân số đã tổ chức nói chuyện chuyên đề 45 lượt tại 2 trường dân tộc nội trú thuộc 2 huyện Mường Chà và Ðiện Biên Ðông với khoảng hơn 9.000 lượt học sinh tham dự; sinh hoạt ngoại khóa tại 77 lượt trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh với khoảng 18.400 lượt học sinh tham dự, 246 lượt tại trường THCS với khoảng 51.630 lượt học sinh tham dự. Nội dung tuyên truyền về tác hại, hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống - một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tan máu bẩm sinh. Ðồng thời, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn, 2 buổi nói chuyện chuyên đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho lãnh đạo các ban ngành xã, cán bộ thôn, bản của xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa và xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ. Hệ thống Dân số còn in ấn và cấp phát 12.100 tờ rơi về thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình; tác hại của kết hôn cận huyết thống; lắp đặt 93 áp phích và 4 cụm panô với thông điệp hãy nói không với tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cho cấp xã và trung tâm 4 huyện…

Cũng theo bà Hiền, công tác tuyên truyền, vận động tập trung vào lan tỏa thông tin phòng bệnh tan máu bẩm sinh, để thế hệ tương lai được sinh ra khỏe mạnh, an toàn. Việc đầu tiên là đồng bào dân tộc thiểu số cần chấm dứt ngay tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, để sinh ra đứa con không bị bệnh tan máu bẩm sinh, các bạn trẻ nên đi xét nghiệm sàng lọc bệnh trước khi có ý định kết hôn. Người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh thì nên kết hôn với người không mang gen bệnh này. Trường hợp cả hai vợ chồng đều mang gen bệnh thì cần được tư vấn, chẩn đoán trước sinh để tránh việc sinh ra con mắc bệnh tan máu bẩm sinh.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top