Cảnh giác với chiêu trò gian lận trong mua sắm trực tuyến

09:28 - Thứ Hai, 11/05/2020 Lượt xem: 8883 In bài viết

ĐBP - Không thể phủ nhận tiện ích của việc mua sắm trực tuyến trong đời sống hiện đại. Thế nhưng hình thức mua hàng này đang tạo ra nhiều khe hở để những đối tượng xấu luồn lách hòng “móc túi” khách hàng. Người tiêu dùng, nhất là những người đam mê mua sắm trực tuyến cần hết sức cảnh giác với các chiêu trò này để tránh bị “tiền mất tật mang”…

Shipper kiểm tra hàng trước khi giao cho khách.

Trong việc kinh doanh online, có nhiều phương thức để người mua và người bán giao dịch với nhau mà không cần gặp gỡ trực tiếp. Ðiều đó tạo ra muôn vàn thuận lợi cho việc mua bán nhưng lại dễ khiến cho người tiêu dùng bị rơi vào cạm bẫy. Như nhiều cửa hàng lừa đảo sau khi chốt đơn thường yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc hoặc chuyển trước tiền hàng để giữ hàng hoặc được miễn phí giao hàng. Nhiều người nhẹ dạ lập tức chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc các hình thức chuyển tiền online khác để được hưởng ưu đãi. Nhưng họ đâu biết các cửa hàng đấy thường có địa chỉ ảo, hàng hóa ảo… chỉ duy nhất tài khoản ngân hàng là thật. Những đối tượng bán hàng này sau khi nhận tiền thì “bặt vô âm tín”. Người mua hàng không biết tìm đâu để đòi hoặc chấp nhận bỏ qua vì số tiền không quá lớn. Sau nhiều bài học được rút ra, người mua cảnh giác hơn, rất ít người chấp nhận việc thanh toán trước khi nhận hàng. Chỉ còn một số cửa hàng thực sự uy tín, chiếm được lòng tin của khách hàng còn có thể thực hiện phương thức thanh toán này. Trong tình thế đó, hình thức giao hàng COD -  thanh toán khi giao hàng hoặc giao hàng thu tiền hộ ra đời. Ðây là hình thức có lợi cho cả người bán và người mua. Hình thức này cho phép khách hàng kiểm tra được đơn hàng trước khi quyết định chi trả số tiền. Còn đối với chủ cửa hàng sẽ tạo được sự tin tưởng trong khách hàng, từ đó nhu cầu mua sắm sẽ tăng lên. Không chỉ vậy, COD ra đời còn tạo thêm nhiều việc làm cho các shipper (người giao hàng), giúp họ có thêm thu nhập. Tuy nhiên, điều gì cũng sẽ có hai mặt. Sự thuận tiện của COD cũng sẽ tạo ra lỗ hổng để các đối tượng xấu, kinh doanh thiếu đạo đức luồn lách, giở trò gian lận mới trong kinh doanh online.

Là shipper đã nhiều năm nay, bạn Nguyễn Ðình H. đã gặp không ít những trường hợp “dở khóc, dở cười” với những khách hàng không may nếm trái đắng khi mua hàng online. Bạn H. chia sẻ: Có nhiều trường hợp giao hàng cho khách nhưng phía cửa hàng không cho kiểm hàng trước khi nhận. Khi khách nhận hàng, thanh toán xong mở ra lại không đúng sản phẩm mình đã đặt mua. Thậm chí còn có trường hợp đặt mua điện thoại di động nhưng khi mở ra lại là cục gỗ hoặc mấy quả pin cũ… Khách hàng gọi điện lại cho cửa hàng thì không nghe máy hoặc không liên lạc được. Thế nên, nhiều người rơi vào hoàn cảnh này đành “tặc lưỡi” cho qua, coi như bỏ tiền mua bài học kinh nghiệm. Hầu hết các trường hợp này đều do tham rẻ, đặt mua ở các cửa hàng không uy tín, địa chỉ không rõ ràng. Không chỉ vậy, nhiều đối tượng đánh trúng vào tâm lý thích đồ khuyến mại của người tiêu dùng. Khách hàng không đặt hàng nhưng cũng có hàng giao tới. Bên ngoài ghi là hàng khuyến mại miễn phí, người nhận chỉ phải thanh toán một khoản tiền gọi là phí vận chuyển giúp cửa hàng. Nhưng khi mở “quà” ra thì giá trị sản phẩm lại chưa chắc bằng với số tiền bỏ ra. Như có đơn bên ngoài bưu phẩm ghi là phụ kiện thời trang rất chung chung nhưng khi mở ra bên trong chỉ có 1 cái kẹp tóc, nơ, bông tai… hoặc vật dụng có giá trị nhỏ khác. Những trường hợp như thế này thường do họ hay theo dõi các trang bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội, vô tình để lại địa chỉ, số điện thoại tại đó để các đối tượng xấu nắm được và giở chiêu trò lừa đảo… Tiếp xúc nhiều với các mánh lới này nên anh em shipper có thể phán đoán gần chính xác các đơn hàng có dấu hiệu lừa đảo. Nếu khẳng định được có gian lận thì anh em thường khuyên khách hàng không nên nhận và trả hàng về chỗ cũ để khỏi mất thời gian của cả hai bên. Nhìn chung, khách hàng cũng nên thận trọng với những đơn không cho kiểm hàng trước khi nhận, trừ khi mua của các trang thương mại điện tử lớn, uy tín hoặc các cửa hàng quen thuộc, giao dịch nhiều lần…

Có thể thấy, trong việc mua bán trực tuyến hiện nay, chủ cửa hàng sẽ bán bằng uy tín, còn khách hàng chủ yếu vẫn mua bằng niềm tin. Những cách bán hàng như trên có thể coi là một dạng lừa đảo, gian lận. Mặc dù chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh” và chưa thực sự gây ra các thiệt hại lớn nhưng khiến cho người mua hàng bức xúc, mất niềm tin vào mua bán trực tuyến. Từ đó, gây ảnh hưởng tới các cửa hàng kinh doanh uy tín trong lĩnh vực này. Chính vì thế, người tiêu dùng khi mua hàng online nên nắm rõ thông tin về sản phẩm, đơn vị bán hàng để tránh được các rủi ro không đáng có. Tốt nhất là nên mua sắm ở các trang thương mại điện tử lớn hoặc các cửa hàng online uy tín được nhiều “tín đồ mua sắm” xác nhận. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng mong muốn sớm có chế tài quản lý, phòng chống lừa đảo để bảo vệ quyền lợi cho họ khi tham gia mua sắm trực tuyến.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top