Cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động

08:46 - Thứ Tư, 13/05/2020 Lượt xem: 8779 In bài viết

ĐBP - Chủ đề của Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) năm 2020 trong phạm vi toàn tỉnh là “Ðẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Từ chủ đề cho thấy điều kiện, môi trường làm việc an toàn đảm bảo sức khỏe, tính mạng người lao động luôn là vấn đề được quan tâm. Và khi làm tốt sẽ góp phần thúc đẩy các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phát triển bền vững.

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên luôn được trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thi hành Luật ATVSLÐ số 84/2015/QH13 của Quốc hội, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; công tác ATVSLÐ của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức của người sử dụng lao động, người lao động ngày càng được nâng cao; điều kiện, môi trường làm việc của người lao động được quan tâm, cải thiện. Số vụ tai nạn lao động, đặc biệt là tai nạn lao động chết người thời gian qua giảm đáng kể. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tai nạn lao động nặng, tử vong, tại nạn xảy ra cho người tham gia giao thông… Riêng năm 2019 toàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ tai nạn lao động (khu vực có quan hệ lao động 2 vụ; 1 người chết người); khu vực không có quan hệ lao động 51 vụ (17 vụ tai nạn lao động, làm 17 người tử vong); 31 vụ cháy gây thiệt hại về tài sản gần 3,9 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATVSLÐ, chưa xây dựng đầy đủ nội quy, quy chế và các quy trình, biện pháp làm việc an toàn; chưa huấn luyện ATVSLÐ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đảm bảo… Chủ đề của Tháng hành động về ATVSLÐ năm nay đưa ra không đơn thuần là khẩu hiệu mà từ đó đã đề ra các giải pháp cụ thể, sát thực trong kế hoạch hành động cụ thể để phòng ngừa lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp. Ðồng thời nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện Luật ATVSLÐ, Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLÐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên trong Tháng hành động về ATVSLÐ năm nay trên địa bàn toàn tỉnh không tổ chức các hoạt động phát động, diễu hành hưởng ứng mà thay vào đó các hoạt động hướng về cơ sở, người lao động được tổ chức thực hiện đa dạng hơn, phù hợp với với điều kiện thực tế của từng cơ sở, doanh nghiệp. Trong đó, Hội đồng ATVSLÐ tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thành viên đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác ATVSLÐ. Xây dựng, gửi, phát hành các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn về ATVSLÐ tới các doanh nghiệp, người lao động; gửi tin nhắn về ATVSLÐ qua điện thoại di động, phát sóng các thông điệp, cảnh báo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; phát sổ tay, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn, video; tuyên truyền qua internet, hệ thống các đài phát thanh cấp huyện, xã; xử lý và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATVSLÐ. Chú trọng tổ chức các hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng làm việc an toàn phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trên cơ sở đó các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức hoạt động huấn luyện thực hiện, tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATVSLÐ; tập trung vào khu vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ và khu vực không có quan hệ lao động. Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng quản lý về ATVSLÐ cho cán bộ quản lý an toàn ở doanh nghiệp, cơ sở. Tuyên truyền không sử dụng hóa chất; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt; hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động khi sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp cho nông dân…

Với hơn 400 cán bộ, công nhân viên, người lao động; trong đó phần lớn người lao động trực tiếp chăm sóc, bảo vệ vườn cây, khai thác mủ cao su nên Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đặc biệt quan tâm tới điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động. Ông Hoàng Xuân Lợi, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cho biết: Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay giá mủ cao su xuống thấp; đời sống, việc làm của người lao động gặp nhiều khó khăn. Công đoàn chủ động đề xuất với Ban lãnh đạo Công ty một số giải pháp nhằm duy trì việc làm, an toàn lao động, thu nhập ổn định. Tại các nông trường, tổ đội sản xuất; làm việc dưới những vườn cây, đường lô thông thoáng, công nhân được trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động (quần áo, mũ, ủng...) phù hợp với điều kiện thời tiết. Tại nơi sơ chế sản phẩm, máy móc, thiết bị máy cán, ép thường xuyên được bảo dưỡng... đảm bảo vận hành tốt, nhờ vậy không xảy ra tai nạn lao động trong quá trình làm việc. Thực hiện tốt các chế độ ăn ca, lương, thưởng, bảo hiểm xã hội; động viên, khuyến khích người lao động yên tâm gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top