Sắp xếp lại lao động ở Nậm Pồ

Quan trọng là người dân phải thay đổi tư duy

08:48 - Thứ Tư, 13/05/2020 Lượt xem: 7553 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn huyện Nậm Pồ có khoảng 27.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông; thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm chậm. Sắp xếp lại lao động, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế đang là “bài toán” khó đối với huyện Nậm Pồ.

Người dân xã Vàng Ðán trong giờ thực hành đào tạo nghề xây dựng.

Ðể giải quyết thực trạng trên, những năm qua huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều chương trình, dự án, định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế như: Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi dưới tán rừng; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Hay chiến lược dài hơi là đào tạo nghề cho lao động phổ thông và đưa người trên địa bàn huyện đi làm việc ngoài huyện, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn không như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Trong đó vấn đề mấu chốt là chưa làm thay đổi được tư duy của đại bộ phận người dân vùng cao vốn quen với những tập quán sinh hoạt, tập quán canh tác lạc hậu.

Ông Trần Văn Vũ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện Nậm Pồ đã phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) tổ chức tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh học viên, người lao động tại 8/15 xã. Trong đó nhiều ngành nghề phù hợp với lao động phổ thông ở nhiều lứa tuổi như: Sơ cấp, trung cấp nghề khai thác mỏ hầm lò, xây dựng hầm lò; trung cấp nghề cơ điện mỏ hầm lò. Bên cạnh đó, khi theo học tại trường, học viên còn được miễn phí hoàn toàn học phí, hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày 75.000 đồng và được ở tại ký túc xá. Sau khi tốt nghiệp được các công ty thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (tại Quảng Ninh) ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn và bố trí công việc theo trình độ đào tạo, có xe ô tô đưa đón đi làm, được hỗ trợ tiền vé xe ô tô đi, về từ nơi làm việc về nơi cư trú. Thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 10 - 15 triệu đồng/tháng và được hưởng mọi quyền lợi theo Bộ Luật Lao động (đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp)… Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai chương trình phối hợp, đến nay trên địa bàn toàn huyện chỉ có trên 60 người đăng ký học và đang làm việc trong ngành than và khoáng sản.

Bên cạnh việc nỗ lực đưa lao động đi làm việc ở các địa phương trong nước thì việc định hướng đưa người đi xuất khẩu lao động cũng được huyện Nậm Pồ xác định là hướng đi có triển vọng. Ðây cũng là chủ trương của Nhà nước trong việc góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng khó khăn. Xác định mục tiêu đó, những năm qua, huyện Nậm Pồ đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động và phối hợp với các đơn vị tuyển chọn lao động đi xuất khẩu. Tuy vậy, đến nay toàn huyện mới chỉ có 26 người đi lao động xuất khẩu ở Lào và 1 người đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ, trong năm 2019 toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 454 lao động, trong đó: Thông qua tuyển dụng vào các cơ quan hành chính, sự nghiệp 80 người; đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh 16 lao động; trong tỉnh 45 lao động; đi làm việc thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội 287 lao động; Quỹ Quốc gia về việc làm 15 lao động và xuất khẩu 11 lao động. Ðây là những con số khá khiêm tốn so với khoảng 27.000 người trong độ tuổi lao động trên toàn huyện.

Có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên vẫn là do nhận thức của đa số người lao động trên địa bàn còn hạn chế. Tâm lý không muốn rời làng bản, người thân để đến một nơi xa làm việc vẫn còn phổ biến ở trong cộng đồng. Việc nỗ lực triển khai đào tạo nghề, sắp xếp và giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và giảm nghèo bền vững cho người dân. Thế nhưng Nhà nước có quan tâm, triển khai bao nhiêu chương trình, dự án đi chăng nữa thì cũng rất khó để mang lại hiệu quả nếu mỗi người dân không chịu thay đổi tư duy, không có ý chí, nghị lực để vươn lên.

Bài, ảnh:  Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top