Cần ngăn chặn tình trạng phá rừng ở Mường Nhé

09:35 - Thứ Năm, 14/05/2020 Lượt xem: 9226 In bài viết

ĐBP - Trong gần 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện Mường Nhé liên tiếp phát hiện 44 vụ phá rừng với tổng diện tích 155.074m2 (130.893m2 rừng sản xuất; 24.181m2 rừng phòng hộ). Tình trạng phá rừng ngày càng gia tăng đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, đòi hỏi lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng huyện Mường Nhé phải vào cuộc quyết liệt điều tra, làm rõ; đặc biệt là ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng...

Lực lượng chức năng kiểm đếm diện tích rừng của huyện Mường Nhé bị chặt phá.

Từ trung tâm huyện Mường Nhé, chúng tôi ngược gần 20km về bản Nậm Pan 1 (xã Mường Toong). Cùng Trưởng bản Nậm Pan 1, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Lý A Sử chúng tôi thăm lại những vạt rừng tại Tiểu khu 153, 153B khoảnh 8, nơi có những cây gỗ với đường kính từ 15 - 30cm bị đốn hạ để làm nương, nay trơ trụi gốc và lớp cỏ dại khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Trưởng bản Lý A Sử chia sẻ: “Khu rừng này chỉ vài năm trước, khi được cộng đồng bản tiếp nhận, khoanh nuôi bảo vệ vẫn còn xanh tốt”. Người dân trong bản ai nấy đều tích cực chăm sóc và làm đường băng cản lửa để bảo vệ rừng với hi vọng đem lại nguồn lợi kinh tế từ dịch vụ chi trả môi trường rừng. Thế nhưng, chỉ trong mấy ngày (cuối tháng 2 đầu tháng 3/2020), lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã sử dụng cưa máy, cưa tay chặt rừng. Ðặc biệt, khi bị phát hiện, các đối tượng còn hăm dọa, thách thức người dân và thành viên trong tổ quản lý bảo vệ rừng. Theo thống kê của lực lượng chức năng, tại các khu rừng do cộng đồng bản Nậm Pan quản lý và bảo vệ phát hiện 3 điểm phá rừng sản xuất trái phép với diện tích 17.455m2.

Không riêng bản Nậm Pan mà trên địa bàn xã Mường Toong xảy ra 33 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích 118.199m2 (rừng phòng hộ: 23.631m2; rừng sản xuất: 94.568m2), chủ yếu ở các bản: Huổi Ðanh, Nậm Pan, Ngã Ba… Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng gia tăng các vụ phá rừng trên địa bàn xã, nhưng chủ yếu là do hiện nay bà con không có việc làm ổn định. Nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải nghỉ ở nhà, nhiều hộ cho rằng diện tích nương cũ đã canh tác từ lâu nên tự ý quay lại chặt phá. Dù xã đã đẩy mạnh tuyên truyên, vận động và tổ chức cho các hộ, cộng đồng thôn, bản ký cam kết bảo vệ rừng nhưng nhiều hộ vẫn lén lút phá rừng làm nương. Toàn xã Mường Toong hiện có 11 cộng đồng/11 thôn bản được giao quản lý, bảo vệ rừng và hưởng lợi từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng; nhưng việc tuần tra, kiểm soát của các tổ này còn rất hạn chế, trách nhiệm không cao. Thậm chí nhiều tổ dù hưởng tiền nhưng không tiến hành tuần tra, phát hiện và báo cáo kịp thời để xã xử lý; khi phát hiện thì rừng đã bị “cạo trọc” với số lượng lớn.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng phá rừng và diễn biến khó lường trên địa bàn huyện Mường Nhé, ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện thẳng thắn cho biết: “Tình trạng phá rừng không chỉ tăng số vụ mà còn tăng cả diện tích. Ðáng lo ngại là các vụ phá sau có quy mô phức tạp, khó lường hơn vụ trước, khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý”. Theo ông Nguyễn Mạnh Toàn thì trong tổng số 44 vụ phá rừng được phát hiện từ đầu năm 2020 đến nay với tổng 155.074m2, tập trung ở các xã: Mường Toong, Huổi Lếch, Quảng Lâm, Nậm Vì, Pá Mỳ... thì có tới 12 vụ phá rừng với diện tích lớn phải xử lý hình sự về tội hủy hoại rừng (đối với rừng sản xuất mỗi vụ trên 5.000m2; rừng phòng hộ trên 3.000m2). Ðặc biệt, vụ việc ở bản Huổi Lắp (xã Quảng Lâm) có nhiều diễn biến phức tạp, người dân tụ tập, có biểu hiện phát nương tập thể, tập trung rất đông từ 30 - 40 người/vụ (hình thức phát đổi công để gây khó khăn cho việc ngăn chặn và xử lý). Khi lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu không phát nương lấn vào rừng thì người dân chống đối, không chấp hành. Sau đó, liên tiếp lực lượng chức năng phát hiện các vụ phá rừng ở xã Mường Toong với diện tích thiệt hại lớn, có dấu hiệu tội phạm. Cụ thể như đối tượng: Giàng Thị Khua, bản Huổi Ðanh phá rừng phòng hộ, diện tích 8.250m2; Sùng A Tủa, bản Ngã Ba, phá rừng phòng hộ với diện tích 16.626m2...

Nguyên nhân phá rừng ồ ạt thời gian vừa qua, theo ông Nguyễn Mạnh Toàn, gần đây (đặc biệt thời điểm từ tháng 2 đến nay) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân không đi làm việc tại các địa phương khác, họ ở nhà và lại vào rừng phát nương cũ, tìm nương mới để canh tác. Ðiều đáng nói, khi phát nương, nhiều hộ dân không biết nương cũ nay đã được quy hoạch rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ; song cũng có người biết mà vẫn cố tình làm ngơ, phá rừng bừa bãi; khi bị phát hiện lại viện nhiều lý do để bao biện cho hành vi sai trái của mình. Ðối với các địa bàn phức tạp, vùng sâu, vùng xa, lực lượng kiểm lâm mỏng; các tổ tuần tra, bảo vệ rừng thiếu sâu sát nên các đối tượng đã lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa các bản, các xã, đêm tối phá rừng. Cá biệt, có một số vụ các đối tượng bị người dân địa phương tố cáo phá rừng hoặc thuê người phá rừng, nhưng họ không thừa nhận. Ðơn cử như tại xã Mường Toong, các đối tượng bị người dân tố cáo phá rừng phòng hộ tại các khoảnh 6, 10 Tiểu khu 153B, nhưng đều phủ nhận. Khi chính quyền địa phương, cơ quan chức năng mời họp, xác nhận và xử phạt về hành vi phá rừng thì các đối tượng này không hợp tác, làm đơn kiện tụng, tố cáo người khác phá rừng gây mất an ninh trật tự và khó khăn cho lực lượng chức năng.

Ðể giải quyết dứt điểm các vụ phá rừng, ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho rằng: Trước nhất, Hạt sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng và sản xuất, làm nương theo đúng quy định; thành lập các tổ liên ngành (Kiểm Lâm, Công an, cán bộ xã...) để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ðối với các vụ phá rừng có dấu hiệu phạm tội (vượt mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính) Hạt Kiểm lâm sẽ phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân và các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án hình sự, xử lý nghiêm minh để răn đe. Song để bảo vệ, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng, ông Nguyễn Mạnh Toàn cho rằng: “Chỉ riêng lực lượng kiêm lâm thôi chưa đủ mà rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cấp ủy chính quyền 11/11 xã, các chủ rừng; đặc biệt mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ rừng, không khai thác, phá rừng trái pháp luật”. Có như vậy, mới mong trả lại sự bình yên, đem đến màu xanh cho những cánh rừng Mường Nhé.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top