Góc nhìn và tiêu điểm

Phía sau dịch tả lợn châu Phi

09:36 - Thứ Năm, 14/05/2020 Lượt xem: 9450 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, tái đàn lợn là câu chuyện “nóng bỏng” của những hộ dân, cơ sở nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, đây cũng là vấn đề gây “đau đầu” cho các cơ quan quản lý. Tái đàn lợn khó khăn vì khan hiếm con giống, giá lợn giống quá cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ðó là việc suy giảm đàn lợn nái do dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất con giống. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất lợn giống tập trung hiện nay chủ yếu giữ lại để thay thế và phát triển đàn lợn nội bộ, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Vì vậy nguồn lợn giống càng khan hiếm khiến nhiều hộ chăn nuôi lẻ, cơ sở quy mô nhỏ và cả một số trang trại không tiếp cận được nguồn lợn giống. Còn nữa, người nuôi lợn chưa hết “tai” này đã gặp ngay “nạn” khác! Khi người chăn nuôi lợn vẫn còn lo lắng về dịch tả lợn châu Phi thì dịch Covid-19 ập đến. Cũng như nhiều lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lĩnh vực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi không thuận lợi bởi thiếu nguyên liệu đầu vào, cắt giảm quy mô sản xuất… dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi tăng. Trong khi các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, nhất là hộ gia đình chưa đủ tiềm lực thì ngoài con giống, thức ăn cũng là thách thức cho việc tái đàn.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện rồi lây lan trên địa bàn toàn tỉnh đã khiến hơn 5.600 hộ chăn nuôi bị thiệt hại khi phải tiêu hủy trên 23.560 con lợn. Sau dịch tổng đàn lợn giảm mạnh, kéo theo nguồn cung thịt lợn nội tỉnh giảm. Ở chiều ngược lại, giá thịt lợn lại tăng cao chóng mặt, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Cái mất là rất lớn, có thể đong đếm rõ bằng các con số được chính quyền địa phương và ngành chức năng thống kê. Nhưng có phải dịch tả lợn châu Phi chỉ mang đến toàn cái “mất”? Hay là nó cũng mang lại những cái “được”?

Mọi việc đều có hai mặt. Nhìn nhận một cách công tâm thì sau những thiệt hại nặng nề do dịch bệnh thì “mặt tích cực” của nó là giúp chúng ta có được những bài học quý báu. Từ đó nhận ra những “lỗ hổng” dễ lọt, không chỉ là truyền thống, tập quán, phương thức chăn nuôi mà cả về góc độ quản lý.

Phần lớn đàn lợn của tỉnh ta là trong nhóm nông hộ, gia trại, còn chăn nuôi tập trung quy mô lớn rất ít. Ðối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì quá trình chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng khoa học, an toàn rất khó khăn bởi khả năng áp dụng khoa học, kỹ thuật của người dân còn hạn chế. Hộ chăn nuôi ý thức phòng dịch kém, chuồng trại sơ sài nên khi xảy ra dịch bệnh, “cơ chế phòng vệ” của những nông hộ rất yếu ớt, vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh và lây lan. Ðặc biệt đối với các hộ dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu vẫn nuôi thả rông. Ðây là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn và rất nhanh. Lợn thả rông tự kiếm ăn, sinh sản trong tự nhiên, thiếu kiểm soát về an toàn phòng dịch. Cho dù hiện nay dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã được khống chế nhưng ngành chuyên môn khuyến cáo mầm bệnh vẫn tồn dư trong môi trường chăn nuôi nên còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh, trong khi chưa có vắc-xin và thuốc điều trị.

Cơn bão dịch tả lợn châu Phi đi qua chúng ta càng thấm thía chăn nuôi có kiểm soát, an toàn sinh học là quan trọng. Có lẽ đây là bài học đầu tiên không chỉ đối với người chăn nuôi mà cả với nhà quản lý. Với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều nhược điểm như: Chuồng trại chưa đáp ứng yêu cầu, ô nhiễm môi trường, người dân thiếu kiến thức, kỹ thuật phòng, chống thì trước dịch bệnh sẽ bị đào thải. Ðối với bộ máy giám sát ở cơ sở như cán bộ thú y, khuyến nông… đã thực sự phát huy vai trò, hiệu quả trong việc phát hiện bệnh sớm cũng như triển khai bao vây dịch? Ðiều này liên quan đến việc chính quyền địa phương, ngành chức năng làm thế nào để nâng cao năng lực của hệ thống thú y đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh? Bài học về công tác quản lý còn là sự quyết liệt trong chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo định hướng và quy hoạch phát triển từng địa bàn. Khi chăn nuôi bị dịch bệnh tàn phá thì không chỉ người chăn nuôi thiệt hại, ngành nông nghiệp sẽ mất yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng, còn Nhà nước phải chi ngân sách hỗ trợ. Ðó sẽ là thiệt hại kép.

Về lâu dài, cần quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn sinh học để giám sát, quản lý phát triển chăn nuôi tốt hơn. Còn trước mắt, không vì khan hiếm lợn giống mà buông lỏng quản lý, các cấp, ngành chuyên môn thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt và áp dụng những biện pháp phòng dịch chặt chẽ trong vận chuyển con giống. Kiểm tra, giám sát để đảm bảo người nuôi lợn phải mua lợn giống có nguồn gốc rõ ràng, có xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi trước khi tái đàn.

Duy Bình
Bình luận
Back To Top