Ðảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Cần nâng cao ý thức người dân

09:14 - Thứ Tư, 20/05/2020 Lượt xem: 8451 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) huyện Mường Nhé đã và đang tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế nguy hại từ thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, để công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đạt hiệu quả, mỗi người dân cần trở thành những nhà tiêu dùng thông thái, lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho mình và gia đình.

Ðoàn công tác liên ngành huyện Mường Nhé kiểm tra VSATTP tại các nhà hàng trên địa bàn xã Mường Nhé.

Ghi nhận tại chợ Trung tâm huyện lỵ nằm trên địa bàn xã Mường Nhé, chúng tôi thấy nhiều cửa hàng, quầy buôn bán vẫn được dựng tạm bợ, không đảm bảo các điều kiện VSATTP. Tại các quán ăn, hầu hết bát đĩa, dụng cụ ăn uống sau khi ăn xong không được vệ sinh kỹ, vết dầu mỡ còn dính trên mặt bát. Các nguyên liệu (bún, phở, thịt, rau sống…) không được che đậy cẩn thận, “tiềm ẩn” nguy cơ mất VSATTP. Chiều về, các quầy vịt nướng, gà nướng được bày bán mà chẳng hề được che đậy, nhưng vẫn tấp nập người mua. Chị Lành Thị Phán, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé chia sẻ: “Hàng ngày, để tiện công việc tôi vẫn thường ra chợ trung tâm Mường Nhé mua thức ăn và các nhu yếu phẩm phục vụ gia đình. Do công việc bận rộn nên nhiều khi tôi cũng mua thức ăn chín (vịt nướng, lòng lợn...) bán sẵn ở chợ. Vấn đề chất lượng thực phẩm thì cũng khó, tôi thấy người ta mua thì mình cũng mua thôi”.

Không riêng gì xã Mường Nhé mà ở nhiều xã vùng cao, vùng sâu, các mặt hàng: Thịt đông lạnh, cá đông lạnh, bánh, kẹo... hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng vẫn được bày bán công khai. Ðặc biệt, một bộ phận người dân do hạn chế về nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu, thiếu kiến thức đã sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo, thiếu an toàn (tự hái rau rừng, nấm rừng, tự ý ngâm rượu với các loại hoa quả rừng, rễ cây) tiềm ẩn rủi ro cao về sức khỏe, tính mạng.

Các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhà hàng trên địa bàn huyện Mường Nhé đang xuất hiện nhiều hơn, phong phú và đa dạng hơn. Toàn huyện hiện có gần 120 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể... Ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng phòng Y tế huyện Mường Nhé cho biết: Mặc dù từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé chưa ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm nào nhưng không vì thế mà các cấp chính quyền từ huyện tới cơ sở lơ là, thiếu cảnh giác. Ðặc biệt là huyện vùng cao, biên giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới ngộ độc thực phẩm nên người dân cần lưu ý: Không sử dụng các loại thực phẩm nhiễm vi sinh vật, thực phẩm biến chất, có chứa độc tố tự nhiên, hóa chất; các loại rau, củ, quả nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật; thịt, cá bị ôi thiu, rượu ngâm cây thuốc không rõ nguồn gốc; một số món ăn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao (gỏi cá, lạp sống, tiết canh...). Ða phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, vốn ít, cơ sở vật chất tạm bợ, thuê mướn, kinh doanh theo thời vụ nên khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm. Cơ quan chuyên môn, nguồn nhân lực từ huyện đến xã chưa đảm bảo, cả về số lượng và chất lượng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác đảm bảo VSATTP.

Ðể hạn chế và đẩy lùi nguy cơ tiềm ẩn do ngộ độc thực phẩm, hàng năm huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh tuyên truyền, đưa kiến thức về VSATTP đến gần hơn với bà con. Trong năm 2019, toàn huyện đã tổ chức 58 buổi thông tin trực tiếp về vấn đề trên và đã thu hút hơn 1.000 người tham gia. Huyện cũng tổ chức 3 đợt thanh, kiểm tra với 8 đoàn, tiến hành kiểm tra 67 lượt cơ sở. Qua kiểm tra phát hiện một số cơ sở vi phạm trong chấp hành pháp luật về VSATTP: Thiếu giấy chứng nhận sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức về VSATTP; chưa đảm bảo vệ sinh khu vực nấu ăn, thiếu thiết bị bảo hộ lao động... Các trường hợp vi phạm đều được nhắc nhở, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Năm 2020 với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động dịch vụ ăn uống bị hạn chế; dẫu vậy trong thời gian tới cùng với sự sôi động trở lại của các dịch vụ buôn bán, chế biến, vận chuyển kinh doanh ăn uống huyện sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

Thực tế việc kiểm tra, xử lý trong các đợt thanh tra, kiểm tra hàng năm chỉ là giải pháp tình thế để ngăn chặn một phần những trường hợp vi phạm về VSATTP. Bởi còn khá nhiều hàng hoá, thực phẩm trôi nổi không thể kiểm soát, ngăn chặn được. Vì vậy, để hạn chế và giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là mỗi người dân nên lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng, VSATTP, bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top