Thời sự - Suy ngẫm

Sống “xanh” là sống khỏe

08:35 - Thứ Năm, 21/05/2020 Lượt xem: 8213 In bài viết

ĐBP - Trận mưa đá, giông gió chiều tối 15/5 đã khiến vài trăm héc-ta lúa đông xuân sắp thu hoạch ở một số xã lòng chảo Ðiện Biên thiệt hại nặng nề. Những thửa ruộng chỉ hôm sau sẽ gặt mà sau trận mưa đá, bông lúa chỉ còn cọng, hạt lúa rụng đầy ruộng. Bà con đứng trên bờ nhìn ruộng lúa chỉ biết khóc, ông trời ác quá!

Những hiện tượng thiên nhiên cực đoan, diễn biến phức tạp như trận mưa đá, giông lốc nêu trên ngày càng xuất hiện nhiều hơn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất và cả tính mạng con người. Giông lốc, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… diễn ra ở khắp nơi. Môi trường sống bị ô nhiễm, sản xuất nông nghiệp lạm dụng hóa chất, nhiều ngành sản xuất khác phát triển không chú ý các điều kiện bảo vệ môi trường đã trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Ðó chính là sự tác động bởi biến đổi khí hậu, môi trường bị xâm hại. Vì thế, làm thế nào để được sống “xanh” và sống khỏe đang là mong muốn của mỗi chúng ta. Vấn đề đặt ra, làm sao để con người vừa phát triển bền vững vừa bảo vệ môi trường, chung sống hài hòa với thiên nhiên? Ðó là mục tiêu của sống “xanh” - một trào lưu đang được nhiều bạn trẻ hưởng ứng nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều người cho rằng, sống “xanh” rất khó, là lối sống dành cho những người giàu có hoặc phải phát động bằng các chiến dịch có sự tham gia của cả cộng đồng. Thực tế, sống “xanh” là lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên và thực sự không khó như chúng ta vẫn nghĩ. Sống “xanh” bắt đầu từ chính việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày; sử dụng thực phẩm canh tác theo phương thức tự nhiên, hữu cơ; giảm thiểu sử dụng hóa chất, hạn chế túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần; phân loại rác, tái chế đồ cũ; trồng và bảo vệ cây xanh... Thay đổi thói quen hướng theo lối sống “xanh” chính là cách chúng ta bảo vệ môi trường, giảm thiểu những tác động tiêu cực của thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe mỗi người, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hưởng ứng lối sống “xanh”, đặc biệt là phong trào chống rác thải nhựa, thời gian qua, nhiều cơ sở đoàn trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, như: phân loại rác, tái chế đồ cũ, phát động trồng và bảo vệ cây xanh. Từ những bánh xe ô tô cũ hỏng bỏ đi, đoàn viên thanh niên thu gom về sơn sửa, tạo thành vật trang trí, đồ chơi cho trẻ em các trường mầm non. Các cơ sở đoàn huy động đoàn viên tham gia trồng cây, nhận chăm sóc các tuyến đường cây xanh. Hay gần đây nhất là phong trào làm những “Ngôi nhà xanh” đặt tại các trường học để thu gom rác thải nhựa của Huyện đoàn Ðiện Biên đang tạo hiệu ứng tích cực. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa, thay vì sử dụng túi ni lông bằng túi giấy, ống hút nhựa bằng ống tre, trúc thân thiện với môi trường. Những việc làm nhỏ mà thiết thực sẽ lan tỏa lối sống “xanh”, giúp con người chung sống hài hòa với thiên nhiên; và quan trọng hơn là không tác động tiêu cực tới môi trường, gián tiếp gây ra những thảm họa thiên nhiên trong tương lai.

Rõ ràng, rèn nếp sống “xanh” bắt đầu từ chính hành động cụ thể, trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, không nên chỉ là kêu gọi, khẩu hiệu. “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” là thông điệp mà Chính phủ nhắc đi nhắc lại như một định hướng xuyên suốt nhằm đề cao vấn đề bảo vệ môi trường. Mỗi dự án sản xuất công nghiệp, mỗi chương trình phát triển chăn nuôi hay bất kỳ dự án nào yêu cầu về bảo vệ môi trường cần được tuân thủ, thực hiện nghiêm. Ðã đến lúc xây dựng lối sống “xanh”, bảo vệ môi trường không chỉ là khẩu hiệu, là định hướng mà cần đưa vào thành chế tài, quy định trong đời sống, sản xuất để tránh những hậu quả rất lớn cả trong hiện tại và tương lai. Mỗi người hành động ngay hôm nay cùng hướng tới lối sống “xanh”, bảo vệ môi trường thì những tác động của biến đổi khí hậu sẽ giảm nhẹ trong ngày mai. Sống “xanh” là sống khỏe, tại sao không!

Gia Huy
Bình luận
Back To Top