Đề xuất tạm dừng tăng lương từ ngày 1-7-2020: Cùng chia sẻ để vượt khó

15:21 - Thứ Năm, 21/05/2020 Lượt xem: 8040 In bài viết

Lý do cho đề xuất trình Quốc hội về tạm dừng tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ nêu ngắn gọn, đầy đủ: Để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách. 

Tạm dừng tăng lương nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động và dành thêm nguồn lực phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa.

Đề xuất của Chính phủ sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đã, đang ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của toàn cầu và Việt Nam. 

Thêm 60.000 tỷ đồng để phục hồi và phát triển kinh tế

Báo cáo của Chính phủ ngay đầu phiên khai mạc kỳ họp thứ chín (sáng 20-5) đã đánh giá về dịch bệnh này, đặc biệt là những khó khăn, áp lực trước mắt trong thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh.

Do nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế nên dịch bệnh đã khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, gây ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, bệnh Dịch tả lợn châu Phi… cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh: “Dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều”.

Việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái "bình thường mới" của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong hơn 100 ngày qua không chỉ tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, mà còn cho chúng ta vị thế chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thay đổi sau đại dịch.

Để nắm bắt cơ hội này, hơn lúc nào hết, đất nước cần nguồn lực để phát triển. Việc lùi thời hạn tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 tới đây được Chính phủ xem là một trong những giải pháp để có thêm nguồn lực cho những mục tiêu cấp bách.

Trước đó, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 86/2019/QH14, trong đó có nội dung điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng từ ngày 1-7-2020. Cùng với mức tăng này là điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức lương cơ sở.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, bước sang kỳ họp thứ chín, Chính phủ đề xuất Quốc hội tạm dừng tăng lương. Đây là một trong những giải pháp đặc thù, phát sinh trong tình hình mới nhằm dành thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế. Bởi theo kế hoạch, nếu thực hiện theo đúng lộ trình tăng lương trên, nguồn chi sẽ vào khoảng hơn 60.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trong năm 2019.

Sẵn lòng chung tay chia sẻ

Sau đề xuất này của Chính phủ, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao, cho rằng lực lượng cán bộ, công chức, viên chức phải là lực lượng tiên phong cùng chung tay chia sẻ với Chính phủ, góp phần tạo thêm nguồn lực phát triển sau đại dịch. 

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long) khẳng định, việc cần có những nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế sau phòng, chống “giặc” Covid-19 thành công cũng như để có thể đẩy nhanh đầu tư công là giải pháp cần thiết. 

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa), ở thời điểm hiện tại, sự sẻ chia này mang ý nghĩa vô cùng lớn. Bởi càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Do đó, thời điểm tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2020 có thể lui thêm một thời hạn nữa, đến khi kinh tế đất nước được phục hồi, nguồn ngân sách sẵn sàng và bảo đảm cho chi tăng lương cơ sở. 

Sự sẻ chia của khối cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang mang nhiều ý nghĩa trong thời điểm hiện tại. Ảnh minh họa.

Đề xuất của Chính phủ cũng được nhân dân, đặc biệt là những cán bộ, công chức, những người chịu ảnh hưởng do tạm lui thời điểm tăng lương đồng tình ủng hộ. 

“Thời điểm tăng lương từ ngày 1-7 được xem xét lùi lại thì chắc chắn đời sống của nhiều công chức sẽ gặp thêm chút khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần tất cả cùng vào cuộc trong phòng, chống dịch Covid-19 như thời gian qua thì tôi tin, khối những người hưởng lương hoặc chờ điều chỉnh trợ cấp, lương hưu theo mức lương cơ sở sẵn lòng tiếp tục chia sẻ khó khăn với Chính phủ, với Quốc hội. Trong hoàn cảnh cấp bách do nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì đây là sự sẻ chia kịp thời, ý nghĩa”, bà Nguyễn Thị Vui (quận Cầu Giấy), một người đang hưởng lương hưu nêu ý kiến.

Ông Đào Thanh Hải, Viện Nghiên cứu Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng chia sẻ, sau kỳ tích chống dịch Covid-19 của Việt Nam, ai cũng hiểu rằng kinh tế - xã hội đang gặp khó khăn như thế nào. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất tạm dừng tăng lương cơ sở là phù hợp. Các cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẵn sàng ủng hộ với hai mục đích như Chính phủ đã nêu ra. 

“Tuy nhiên, người lao động trong khối “làm công ăn lương” mong Chính phủ có biện pháp quản lý tốt hơn nguồn thu và chi ngân sách, bảo đảm tất cả nguồn tiền này phải được phục vụ cho mục tiêu chung của đất nước, giảm và chống thất thoát nguồn vốn”, ông Hải mong muốn. 

Chị Trương Mai Phương, một công chức đang làm việc tại Bộ Tài chính chung quan điểm với ông Hải. Chị bày tỏ: “Ai cũng mong muốn, mong chờ được tăng lương để cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, cả nước đang phải “thắt lưng buộc bụng”, nhiều người lao động ở các khu vực khác còn đang đối diện với nguy cơ thất nghiệp, thu nhập giảm sút, bấp bênh thì cán bộ, công chức, viên chức sẵn lòng sẻ chia với Chính phủ, với đồng bào cả nước”.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top