Ðảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa nắng nóng

08:58 - Thứ Tư, 27/05/2020 Lượt xem: 7875 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, đang trong giai đoạn nắng nóng kéo dài, nhiệt độ luôn ở mức cao, là điều kiện dễ phát sinh dịch bệnh, kèm theo nỗi lo về vấn đề an toàn thực phẩm. Trước tình hình đó, các ngành chức năng, chủ lực là Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tích cực triển khai kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm tươi sống, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Khảo sát tại các chợ có khối lượng mua - bán lớn trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ như: Trung tâm 1, chợ Mường Thanh, chợ Noong Bua… đa số các tiểu thương buôn bán thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm) đã thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Phạm Thị Nguyệt, tiểu thương chợ Mường Thanh cho biết: Tôi đã bán thịt lợn ở đây nhiều năm nay. Bản thân luôn có ý thức giữ gìn thực phẩm được an toàn, bởi chỉ khi thực phẩm an toàn, tươi ngon thì mới thu hút được người mua. Trong những ngày nắng nóng như hiện nay, tôi nhập ít thịt hơn để bán hết trong buổi sáng, không để thịt sang buổi chiều, tránh ôi thiu, mất chất lượng. Ðồng thời tôi thường xuyên sử dụng quạt gió để đuổi ruồi bâu vào thịt.

Hướng tới đáp ứng các tiêu chí về chợ an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm” tại chợ Noong Bua, phường Noong Bua (thành phố Ðiện Biên Phủ) đã được Sở Công Thương triển khai thực hiện. Mục tiêu của mô hình nhằm đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại chợ; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước trong đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của đơn vị quản lý chợ. Sau khi triển khai mô hình, Ban quản lý chợ Noong Bua thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh về những biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng. Với những hộ kinh doanh thực phẩm không có bao gói, cần sử dụng găng tay, khẩu trang, thức ăn có dụng cụ che đậy; bán thực phẩm tươi sống trên mặt bàn inox để dễ vệ sinh…

Theo bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, Chi cục đã phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm các quy định. Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không được sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh. Trong quý I/2020, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.758/5.102 cơ sở kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Cơ bản các cơ sở kinh doanh đều tuân thủ các quy định, tuy nhiên trong đó vẫn còn 2 cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng đã xử phạt 2 cơ sở vi phạm với số tiền 1,1 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu tập trung vi phạm hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng. Chi cục cũng tổ chức 3 đợt kiểm tra, giám sát ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đường phố. 

Mặc dù công tác kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn thực phẩm được chú trọng, tuy nhiên theo thống kê của cơ quan chức năng, trong quý I xảy ra 3.938 ca bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, chủ yếu là bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, hội chứng lỵ. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng thì mỗi người kinh doanh, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm một cách hiểu biết, sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chú ý vệ sinh cá nhân, thực hiện ăn chín, uống sôi.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top