Những mái ấm miền biên viễn

Bài 2: Vượt lên gian khó

09:23 - Thứ Hai, 08/06/2020 Lượt xem: 8869 In bài viết

ĐBP - Quá trình làm nhà cho hộ nghèo tại Mường Nhé do đặc thù tiểu vùng khí hậu nên những người được giao nhiệm vụ giúp dân gặp rất nhiều khó khăn, áp lực. Nhưng vượt lên tất cả, họ đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo lòng tin trong nhân dân.

Bài 1: Niềm tin buổi đầu khởi sự

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh) vận chuyển cát, sỏi giúp người nghèo Mường Nhé làm nhà ở.

Coi việc của dân như của mình

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về điều khó nhất trong quá trình triển khai việc làm nhà ở cho các hộ dân, lãnh đạo Công an huyện Mường Nhé cho biết: Trước hết, đó là trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, đời sống khó khăn. Ðể bà con đồng thuận, vui vẻ với mô hình nhà ở cột sắt, mái tôn là cả một quá trình tuyên truyền, vận động kiên trì vất vả. Mặt khác, nguyên vật liệu xây dựng hầu hết phải vận chuyển từ thành phố Ðiện Biên Phủ hoặc địa bàn khác nên suất đầu tư ở Mường Nhé cao hơn. Trong khi từ trung tâm huyện đến xã và từ xã đến bản là chặng đường xa, cách trở; nhiều điểm bản vật liệu chủ yếu chở bằng xe máy, có bản xe máy cũng không đi được mà phải vận chuyển bằng sức người với quãng đường gần 20km. Ðiển hình là các bản: Pá Lung 5, Pá Lung 6 (xã Chung Chải); Tả Ló San, Lò San Chái (xã Sen Thượng); Huổi Lích, Huổi Nụ (xã Pá Mỳ)...

Những tháng đầu triển khai chương trình địa bàn Mường Nhé mưa nhiều đã làm chậm tiến độ thi công của hầu hết đơn vị. Trong khi đó một số hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ nhà ở lần này còn vướng mắc về thủ tục đất đai... đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành không chỉ “xắn tay” cùng vào cuộc mà phải vào cuộc thật tích cực, linh hoạt để xử lý, tháo gỡ những khó khăn.

Cùng các chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé đến xã Nậm Kè để được “mục sở thị” việc thi công nhà ở cho hộ nghèo. Nậm Kè có 907 hộ, 4.973 khẩu trong đó 616 hộ là hộ nghèo. Ðợt này xã Nậm Kè có 121 gia đình được hỗ trợ làm nhà, trong đó 91 ngôi nhà làm mới hoàn toàn, 30 nhà được cải tạo, nâng cấp. Tại bản Huổi Hốc, chúng tôi gặp bà Hạng Thị Mỷ, 72 tuổi. Bà Mỷ xúc động nói: “Ngôi nhà của chúng tôi cũ nát quá rồi nhưng không có khả năng làm nhà mới. Chúng tôi rất cảm ơn cán bộ Công an đã đến làm cho nhà mới. Thấy cán bộ vất vả, gia đình tôi muốn biếu con gà để bồi dưỡng nhưng họ kiên quyết không nhận!”.

Bản Huổi Hẹt, xã Nậm Kè chưa có điện lưới, cán bộ chiến sĩ công an phải tổ chức cho 10 người thay nhau khiêng máy phát điện lên để cắt thép. Do đường về bản phải qua suối bằng cây cầu tạm liêu xiêu dài gần chục mét nên việc vận chuyển vật liệu rất khó khăn. Ðã có trường hợp bị sẩy chân ngã xuống suối, rất may đồng chí đó chỉ bị thương nhẹ, nghỉ ngơi một buổi chiều rồi sáng hôm sau lại tiếp tục công việc được. 

Phòng Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh) được phân công làm nhà ở cho 19 hộ dân tại bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè. Ðể bà con có nhà mới đón Tết Canh Tý 2020, ngay sau khi được giao nhiệm vụ, đơn vị đã tập trung lực lượng khẩn trương triển khai với nỗ lực cao nhất. Thiếu tá Lương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Cơ động chia sẻ: “Khó khăn mà tổ công tác gặp phải là hầu hết nhà dân ở vị trí cao, khuân vác vật liệu từ đường giao thông tới mặt bằng xây dựng là cả một thách thức. Song quán triệt quan điểm chỉ đạo của Ðảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh là để tiết kiệm tối đa nguồn vốn, chỉ những công việc kỹ thuật mới thuê thợ chuyên nghiệp, còn những phần việc đơn giản như: mang vác, vận chuyển, lấp đất, san nền... thì cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia. Hàng ngày anh em trong tổ phải xuống mó hứng từng can nước rồi gùi lên để trộn vữa. Cát sỏi để đổ bê tông nền nhà cũng được anh em tự đãi dưới suối rồi cho vào bao tải cõng lên”.

Nói về việc giúp dân bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè làm nhà, Ðại úy Nguyễn Ngọc Ánh, Phòng Thanh tra (Công an tỉnh) chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn vùng cao, biên giới, vùng đồng bào thiểu số cũng là dịp mình trải nghiệm cơ sở, bổ sung những kiến thức mà không trường lớp nào dạy, không giáo trình nào đề cập. Trong quá trình thi công công trình, cán bộ chiến sĩ trong tổ công tác còn tranh thủ giúp dân tăng gia sản xuất, hướng dẫn kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi, cách nhận biết và phòng tránh một số loại dịch bệnh”.

Cuộc sống mới mở ra

Bình yên bên ngôi nhà mới của người dân bản Huổi Khon, xã Nâm Kè, huyện Mường Nhé.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, lực lượng công an từ tỉnh xuống huyện, xã và an ninh viên, ai được giao nhiệm vụ cũng đều hăng hái giúp các gia đình nghèo ổn định nơi ăn chốn ở.

Thiếu tướng Sùng A Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Chương trình làm nhà ở cho những hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé là chủ trương rất sát, cụ thể và nhân văn. Ðiều đặc biệt là chương trình được thực hiện vào lúc Ðiện Biên nói chung và Mường Nhé nói riêng, đang nỗ lực hoàn thành “Ðề án triển khai sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn Mường Nhé” của Chính phủ. Thực hiện Kế hoạch số 87-KH/TU, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1290/QÐ-UBND ngày 17/12/2019 giao 24 sở, ban, ngành cùng với UBND huyện và UBND 11 xã trên địa bàn huyện Mường Nhé thực hiện. Gần 500 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh được huy động vào địa bàn triển khai làm nhà ở cho hộ nghèo.

Tại bản Huổi Cắn (xã Mường Toong), trước ngôi nhà sắp hoàn thành và chuẩn bị bàn giao cho dân đưa vào sử dụng, Thiếu tá Giàng A Minh, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết: Công an huyện được giao xây dựng 31 ngôi nhà tại bản Huổi Pinh và Huổi Cắn (xã Mường Toong). Ðúng dịp này, huyện Mường Nhé có 265 học viên của Học viện An ninh nhân dân về thực tập. Các em cũng tham gia đào móng, vác xi măng, gánh gạch, gùi nước... như những công nhân thực thụ”. Tiếp lời Thiếu tá Minh, em Ma Thị Thu Hằng (học viên năm thứ 4, Học viện An ninh nhân dân) vui vẻ nói: “Chúng em lao động như một thợ phụ. Thật may mắn khi có một kỳ thực tập thú vị như thế này!”.

Sau hơn nửa năm nỗ lực, đúng dịp kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, sáng 7/5/2020, tại trụ sở UBND tỉnh Ðiện Biên đã long trọng diễn ra Hội nghị tổng kết việc thực hiện chủ trương hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo huyện Mường Nhé. Qua hơn 6 tháng triển khai, đã có 1.149 hộ được hỗ trợ xây, sửa nhà (trong đó 979 hộ được làm nhà mới và 170 hộ được sửa chữa nhà cũ và thêm 23 nhà đang thi công là những hộ phát sinh, được rà soát bổ sung trong quá trình tổ chức thực hiện). Tổng nguồn vốn cho chương trình là 55 tỷ đồng chứ không phải 30 tỷ đồng như dự kiến ban đầu.

Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an biểu dương tinh thần nhập cuộc hăng hái và trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tỉnh Ðiện Biên; sự phối hợp hiệu quả của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; những tấm lòng hào hiệp của các tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh cần gắn liền với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Kinh nghiệm dạy rằng muốn phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc và sự toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ quốc gia, các ngành nói chung và lực lượng Công an nói riêng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, hiểu dân, trọng dân và chia sẻ khó khăn với nhân dân các dân tộc.

Chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo huyện Mường Nhé đã khép lại một cuộc sống mới đang mở ra với bà con miền biên viễn. Ðó là cuộc sống ổn định, tin tưởng vào Ðảng, Nhà nước, chung tay xây dựng biên giới no ấm, bình yên.

Bài, ảnh: Tú Trinh
Bình luận
Back To Top