Cần tăng cường xử lý vi phạm về quản lý bảo vệ rừng

09:30 - Thứ Tư, 10/06/2020 Lượt xem: 7265 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, tình hình các vụ vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, như: Phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép, đốt rừng làm nương… vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách quản lý, bảo vệ rừng đến người dân, chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát các điểm khai thác lâm sản, hoạt động mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép... Ðồng thời, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát rừng tại các khu vực tiếp giáp các tuyến đường mòn, lối mở để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 205 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, có 29 vụ vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng; 89 vụ vi phạm về phát triển và bảo vệ rừng; 87 vụ vi phạm quy định về quản lý lâm sản. Một số huyện có số vụ vi phạm lớn như: Tuần Giáo; Mường Nhé; Ðiện Biên… Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện phối hợp xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Ðến nay, đã xử lý 162 vụ, với số tiền phạt hơn 1,4 tỷ đồng; số vụ còn lại đang trong giai đoạn điều tra xác minh.

Xác định các vụ vi phạm nghiêm trọng để điều tra xử lý và khởi tố hình sự nhằm răn đe các trường hợp khác, đến nay toàn tỉnh đã ra quyết định khởi tố hình sự 15 vụ vi phạm quy định về lâm nghiệp, gồm 14 vụ về tội hủy hoại rừng và 1 vụ về quản lý bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Ðiển hình là ngày 14/5, Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên đã quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Hờ Pó Nếnh (SN 1979, thường trú tại xã Mường Pồn, huyện Ðiện Biên) về tội “hủy hoại rừng” xảy ra tại tiểu khu 696A, khoảnh 12 thuộc bản Pá Chả, xã Mường Pồn. Trước đó, ngày 17/4, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng trên. Kết quả kiểm đếm có 15.100m2 rừng phòng hộ, trạng thái rừng thường xanh phục hồi bị phá hoại; trữ lượng bị phá hoại 108,98m3/ha. Vị trí rừng bị phá do UBND xã Mường Pồn quản lý. Mức độ thiệt hại 100%; tổng số cây bị thiệt hại 845 cây, với tổng trữ lượng cây gỗ 164,559m3/15.100m2.

Việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt khởi tố hình sự sẽ góp phần đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên trong thực tế, các vụ phá rừng chủ yếu bị xử phạt vi phạm hành chính, các vụ án bị khởi tố hình sự rất ít. Cụ thể, trong tổng số 162 vụ đã xử lý thì có 147 vụ xử phạt hành chính, xử lý hình sự 15 vụ. Có nhiều nguyên nhân, như lực lượng kiểm lâm mỏng, địa bàn hoạt động rộng, chế tài xử lý các vụ vi phạm còn chưa thống nhất, chưa sát với thực tiễn, dẫn đến việc xử lý các vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là xử lý hành chính.

Thời gian tới, các địa phương, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tập trung triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định 35/2019/NÐ-CP ngày 25/4/2019 Chính phủ ban hành về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Ðồng thời, nghiên cứu những giải pháp khả thi để thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng, qua đó góp phần giảm số vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top