Từng bước đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

08:49 - Thứ Sáu, 12/06/2020 Lượt xem: 9100 In bài viết

ĐBP - Với đặc thù miền núi, trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại ở các xã vùng cao, để lại nhiều hệ lụy. Trẻ được sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh, sức đề kháng yếu, làm suy kiệt giống nòi, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và nguồn lực gia đình, xã hội.

Cán bộ phụ nữ xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa tuyên truyền, vận động hội viên phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua phần lớn ở độ tuổi 15 - 17, nhiều trường hợp đang đi học thì bỏ giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng; một số con em hộ nghèo, không được học tập, không có việc làm ổn định, thiếu hụt kiến thức xã hội, kỹ năng sống cũng tảo hôn.

Ông Mùa A Giang, Trưởng phòng Tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, song chủ yếu là do ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu đã ăn sâu bám rễ trong tư duy của đồng bào các DTTS. Ðó là quan niệm kết hôn trong họ tộc để giữ tài sản trong gia đình; hoặc tục lệ bắt vợ, cưỡng ép hôn nhân… Các cặp tảo hôn thường tập trung ở những nơi điều kiện giao thông khó khăn, kinh tế - xã hội kém phát triển, trình độ nhận thức về xã hội còn hạn chế, không có điều kiện tiếp cận thông tin, quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Quan niệm lập gia đình sớm để có thêm lao động cũng là nguyên nhân gia tăng tình trạng tảo hôn. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của một số chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng này chưa mạnh mẽ, quyết liệt.

Theo thống kê, năm 2019 toàn tỉnh có 1.150 trường hợp tảo hôn, tăng 172 trường hợp so với năm 2018. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các huyện: Nậm Pồ (273 trường hợp), Ðiện Biên Ðông (217 trường hợp), Mường Chà (200 trường hợp), Tủa Chùa (165 trường hợp)…

Với mục tiêu giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động, thông qua các cuộc họp dân, tập huấn… Tiêu  biểu là Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tư pháp, UBND các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại địa bàn các xã vùng cao, biên giới. Ðồng thời thành lập 15 câu lạc bộ tuyên truyền tại 3 huyện: Mường Chà, Tủa Chùa và Tuần Giáo. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cơ sở; phát huy vai trò của trưởng dòng họ, già làng, trưởng bản, người có uy tín ở địa phương trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS. Tích cực hưởng ứng công tác tuyên truyền, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, Hội liên hiệp Phụ nữ các huyện vùng cao đã phối hợp với tổ chức hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng (CFRC) mở các lớp tập huấn phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho cán bộ phụ nữ từ đó tuyên truyền, vận động hội viên, chị em từng bước đầy lùi và chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; đến năm 2025 không còn tảo hôn và cơ bản giảm tối thiểu kết hôn cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS trên địa bàn tỉnh theo Ðề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top