Vấn đề bạn đọc quan tâm

Triệt hạ cây phượng là... hạ sách

09:04 - Thứ Hai, 15/06/2020 Lượt xem: 7646 In bài viết

ĐBP - Việc một cây phượng cổ thụ tại Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, T.P Hồ Chí Minh bật gốc, đổ xuống đè làm nhiều học sinh bị thương, trong đó một cháu tử vong làm rung động dư luận trong nước mấy tuần qua. Vụ việc xảy ra, ai biết tin cũng đều động lòng trắc ẩn, thương cho gia đình có cháu không may tử vong cũng như các cháu bị thương. Ban Giám hiệu Trường THCS Bạch Đằng, chính quyền địa phương và nhiều cấp ủy, chính quyền các cấp khác trong nước lấy đây làm bài học kinh nghiệm chăm sóc, quản lý cây xanh trong khuôn viên các nhà trường.

Chỉ ít ngày sau vụ tai nạn đổ cây phượng tại Trường THCS Bạch Đằng thì tại tỉnh Đắc Lắc cũng có cây phượng cổ thụ trong sân trường đổ ập xuống, rất may là không có học sinh hay giáo viên nào bị thương. Từ hai vụ việc trên, như giọt nước làm tràn ly, nhiều trường học từ bắc vào nam "phản ứng" rất nhanh theo kiểu "triệt tiêu cây phượng". Họ thuê người đến "đốn tận gốc, trốc tận rễ", coi cây phượng như tội đồ, không nên tồn tại trên trần gian này nữa. Không chỉ cây phượng mà một số cây che bóng khác rất tốt cho học sinh trong khuôn viên nhà trường cũng bị chặt hạ không thương tiếc. Không ít học sinh, giáo viên, phụ huynh và cả người dân thấy những cây phượng, cây bóng mát, như: xà cừ, bàng, vú sữa, sấu... bị đốn hạ mà chạnh lòng, day dứt. Với nhận thức như vậy, với tiến độ "triệt hạ" như vậy, rồi đây sân trường có còn bóng cây xanh? Vào hè, còn đâu tiếng ve kêu, còn đâu những chùm hoa phượng đỏ rực trong nắng gió đung đưa. Với học sinh cuối cấp THCS, THPT, kể cả sinh viên các trường chuyên nghiệp muốn bẻ một vài chùm hoa phượng để vào giỏ xe đạp chụp ảnh kỷ niệm; nhặt một vài cánh hoa ép vào trang nhật ký để lưu dấu tuổi học sinh, để nhớ về nhau khi chia xa liệu có còn? Hoa phượng nở, báo hiệu mùa hè sang, mùa trưởng thành của mỗi thế hệ học trò. Mùa hoa phượng - mùa chia ly, nhưng ai cũng thích thú và nhớ về một thuở thiếu thời như thế.

Thông thường như trước đây, cứ cuối tháng 5 là học sinh nghỉ hè. Còn năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, thời gian học của học sinh các cấp kéo dài sang trung tuần tháng 7. Thời gian này trùng vào mùa mưa, mùa giông lốc ở các tỉnh Tây Bắc, nên tình trạng cây bị gãy cành, đổ lá, kể cả bật gốc khá nhiều. Mỗi khi giông lốc, các nhà trường yêu cầu học sinh vào lớp để tránh xảy ra tai nạn do cây đổ. Phần lớn các trường học, nhất là khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, các trường nằm trong khu dân cư, nên ban giám hiệu nhà trường lại càng lo sợ cây đổ vào nhà dân, phải đền, phải xin lỗi... nên tâm lý phải chặt, phải đốn bằng hết những cây to, cây cổ thụ càng tăng lên.

Trao đổi với lãnh đạo ban giám hiệu một số trường trên địa bàn T.P Điện Biên Phủ về những tiếc nuối khi phải chặt hạ cây phượng, cây xanh trong khuôn viên trường học, họ đều nhắc đến vụ đổ cây làm nhiều học sinh bị thương tại T.P Hồ Chí Minh. Các thầy, cô giáo cho rằng: chặt cây xanh là việc cực chẳng đã. Biết là rất tiếc, phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mới được một cây xanh xõa bóng, nhưng nếu không may xảy ra tai nạn đổ cây thì họ không gánh nổi trách nhiệm. Ngoài áp lực từ cấp trên (phòng, sở giáo dục và đào tạo...), thì miệng lưỡi thế gian, dư luận xã hội cũng rất khủng khiếp. Chính vì vậy, không còn cách nào khác, để an toàn cho học sinh, nhất là cho chính mình, thì giải pháp họ đặt ra trong lúc này là "triệt hạ cây phượng" cho chắc ăn.

Ở một góc nhìn khác, người viết thấy rằng, việc "triệt hạ cây phượng là... hạ sách". Lý do là, trong các nhà trường, hiện có hàng trăm, hàng triệu cây phượng và cây bóng mát khác. Không phải cây nào xum xuê cành lá, cổ thụ cũng bị bật gốc, gãy đổ mỗi khi giông gió, mưa bão. Những cây gãy đổ, bật gốc thời gian qua do quá già cỗi, sâu mọt, bị chặt hết bộ rễ chùm xung quanh. Cho nên, cách làm hay nhất, hài hòa và hợp lý nhất là nhà trường thường xuyên nhờ hoặc thuê các nhà chuyên môn kiểm tra cây xanh trong khuôn của mình. Thấy có dấu hiệu cành sâu, cành dị tật, khô mọt... thì cắt bỏ. Các nhà trường cũng hạn chế chặt rễ cây xung quanh để làm bồn hoa, xây bờ bao, vì như thế là hạn chế quá trình sinh trưởng, phát triển của bộ rễ. Cây to, cây cổ thụ thì việc cắt tỉa cành rất nên làm và làm thường xuyên. Nhưng cần chú ý trong quá trình cắt tỉa phải luân phiên. Năm này, đợt này cắt cây này thì đợt sau cắt, tỉa cây khác, không nên cắt theo kiểu chặt ngang cây, chặt trụi lủi, cây không có cơ hội để phát triển. Vẫn biết rằng, các nhà trường rất khó khăn về kinh phí, nhất là nguồn kinh phí để thuê kỹ sư, các nhà chuyên môn về đánh giá chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây xanh thường xuyên được. Nhưng khó khăn đến mấy cũng có cách tháo gỡ. Chính quyền địa phương, sở ngành chuyên môn, nhất là phụ huynh học sinh không bao giờ đứng ngoài cuộc, nếu các nhà trường có lời nhờ vả cho những việc làm ý nghĩa, vì lợi ích học sinh, con em mình. Người đứng đầu nhà trường không nên trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến hành động "tiêu cực" đó là chặt cây cho mình được an toàn, còn các em học sinh thì chịu nắng nóng, thiếu chỗ nô đùa, bay nhảy.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top