Góc nhìn tiêu điểm

Sử dụng nhân lực y tế cấp thôn, bản

08:34 - Thứ Năm, 18/06/2020 Lượt xem: 7843 In bài viết

ĐBP - Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có hơn 1.700 nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản (do ngành Y tế tỉnh quản lý và chi trả phụ cấp). Theo thống kê, đội ngũ nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản đã thực hiện tiêm chủng mở rộng, khám thai cho hơn 6.700 lượt người/năm; tư vấn chăm sóc thai nghén cho hơn 6.400 lượt người/năm; đỡ đẻ tại nhà gần 1.100 bà mẹ/năm; chăm sóc, tư vấn sức khỏe sau sinh cho bà mẹ, trẻ em gần 4.000 lượt người/năm... Qua đó phát huy tốt vai trò chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại địa bàn dân cư, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Thực hiện quy định của Chính phủ về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, ngày 26/8/2019 HÐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14/2019/NQ-HÐND về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; có hiệu lực thi hành từ năm 2020. Trong đó quy định người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư chi bộ; trưởng thôn, bản hoặc tổ trưởng tổ dân phố; trưởng ban công tác mặt trận. Còn lại những người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 3 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, bản, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).

Từ khi Nghị quyết số 14/2019/NQ-HÐND có hiệu lực thi hành, đội ngũ y tế, cô đỡ thôn, bản đã dừng hoạt động. Ðể “lấp chỗ trống”, ngành Y tế tỉnh phải tạm giao nhiệm vụ nắm thôn, bản cho cán bộ của trạm y tế các xã. Nhưng khu vực vùng cao, biên giới có nhiều thôn, bản cách xa trung tâm xã, trong khi đó biên chế các trạm y tế xã có từ 5 - 6 người. Vì vậy để bám bản, bám dân, thực hiện tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế càng gặp khó khăn hơn.

Qua hơn 6 tháng, kể từ khi đội ngũ này dừng hoạt động, một số địa bàn đã gặp không ít khó khăn. Việc tăng cường cán bộ trạm y tế xã xuống nắm thông tin tại các thôn, bản đang là giải pháp khắc phục tạm thời. Về lâu dài, cần nghiên cứu, ban hành chế độ, chính sách phù hợp để tiếp tục duy trì hoạt động đối với đội ngũ y tế, cô đỡ thôn, bản. Có thể rà soát nhu cầu thực tế của từng địa bàn để triển khai thực hiện cho phù hợp. Hoặc xem xét ban hành chính sách, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản. Bởi tại Nghị định 34/2019/NÐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố có quy định “mở”. Ðó là cho phép các địa phương căn cứ vào quỹ phụ cấp và căn cứ vào đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã và nguồn thu ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top