Ðất cằn nhưng nghị lực không cằn

09:01 - Thứ Năm, 18/06/2020 Lượt xem: 7085 In bài viết

ĐBP - Từ đỉnh Pu Ca nhìn xuống, TP. Ðiện Biên Phủ giống như bức tranh nhiều màu sắc. Nhiều năm sau ngày giải phóng Ðiện Biên Phủ, người Thái bản Bo Hóng (xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên) lên đỉnh Pu Ca dựng lán để chăn thả gia súc (chủ yếu là trâu). Ở đây không điện, không thanh niên, không trẻ con và phụ nữ, chỉ có những người đàn ông ngũ tuần trở lên với nước da đen như bồ hóng.

Những chiếc lán của người chăn trâu trên đỉnh Pu Ca.

Muốn lên đỉnh Pu Ca phải đi qua núi Cô Lào, hết núi Cô Lào đến núi Pu Nang Non (nàng tiên ngủ), đi tiếp khoảng 5km đến dốc Pu Vang, rồi lên dốc suối Mèo và trên cùng là đỉnh Pu Ca. Theo tiếng Thái nghĩa là “đồi cỏ gianh”, Pu Ca có độ cao gần 1.500m so với mực nước biển.

Chiều tháng Sáu, nắng vàng như mật ong, chiếc xe máy Dream II do Việt Nam sản xuất của anh Quàng Văn Dũng nhảy chồm chồm trên đường lên đỉnh Pu Ca. Dũng được trưởng bản giao nhiệm vụ dẫn đường cho chúng tôi. Ngồi sau xe Quàng Văn Dũng mà nhiều lúc tim tôi như thắt lại khi liên tục phải đối mặt với những con dốc ngược, rồi lại đổ dốc vun vút bên vực sâu. Chiếc xe liên lục gằn số, nhả khói khét lẹt, bỏ lại phía sau bụi đất mịt mù…

Nhọ mặt người, chúng tôi có mặt trên đỉnh Pu Ca. Ðón chúng tôi là cả “tập đoàn” trâu: Trâu trắng, trâu đen, trâu bố, trâu mẹ, nghé con… khua mõ náo động đỉnh núi.

Pu Ca có khoảng hơn chục nóc nhà. Gọi là nhà nhưng thực chất là chòi, lán được dựng bằng phên nứa, mái lợp cỏ gianh.

Người chăn trâu trên đỉnh núi Pu Ca lâu nhất là hơn 20 năm, người mới “vào nghề” cũng được 5 năm. Họ lên đây dựng lán để chăn thả trâu. Sáng mặt trời ló rạng, người dân lùa trâu đi, chiều mặt trời xuống núi lại lùa trâu về chuồng. Lương thực, thức ăn hết, vợ con tiếp tế hoặc vài ba ngày, họ cắt cử nhau về bản lấy gạo, sạc đèn pin và điện thoại, trâu gửi đồng đội trông coi.

“Cháu thấy chưa? TP. Ðiện Biên Phủ đấy! Buổi tối thành phố thật đẹp, điện sáng lấp lánh như sao sa. Từ đây xuống đấy khoảng 13 cây số, Pu Ca ở trên cao, có thể quan sát toàn bộ cánh đồng Mường Thanh và cả khu vực lòng chảo Ðiện Biên.” - ông Lò Văn Nướng, 70 tuổi, có thâm niên hơn 20 năm chăn trâu trên đỉnh núi Pu Ca nói với tôi.

Ðêm xuống, chúng tôi chuyện trò với những người chăn trâu tại chiếc chòi của anh Lường Văn Chanh. Anh Chanh “vào nghề” được 5 năm. Vợ cùng 2 con anh sống dưới bản Bo Hóng; đàn trâu của anh có số lượng nhiều nhất đỉnh Pu Ca (với gần 40 con). Còn lại mỗi hộ có khoảng từ 5 - 15 con.

Bãi thả trâu trên đỉnh Pu Ca rộng trên 100ha. Trước đây, người Thái xã Thanh Xương vẫn trỉa ngô, gieo hạt. Song để leo lên đến đỉnh Pu Ca là cả một hành trình gian nan vất vả. Do dốc cao, lớp đất bề mặt tơi xốp bị rửa trôi sau những trận mưa, đất bị hoang hóa, chỉ có loài cỏ gianh là sống được. Vì thế Pu Ca trở thành nơi dân bản Bo Hóng chọn để chăn thả trâu. Dân bản Bo Hóng thả trâu trên đỉnh Pu Ca quanh năm, chỉ khi đến mùa làm đồng thì một số hộ mới “điều” một vài con trâu khỏe nhất đàn về phục vụ công việc cày, bừa; xong mùa vụ họ lại đưa trâu lên đỉnh Pu Ca.

Nhờ đỉnh Pu Ca mà nhiều hộ ở bản Bo Hóng đã trở nên khá giả hơn từ nghề chăn trâu. Có hộ xây được nhà khang trang, con cái được đầu tư học hành đầy đủ, chất lượng cuộc sống được nâng lên; mua sắm được các thiết bị, phương tiện có giá trị, như: Máy giặt, tủ lạnh, xe máy…

Những người chăn trâu trên đỉnh Pu Ca đã đắp đập, ngăn khe làm chỗ cho trâu đằm, uống nước.

Chỉ vào con trâu đực vạm vỡ, có màu lông đen bóng, vai rộng, anh Lường Văn Chanh nói trong tự hào: “Có người trả giá 45 triệu đồng rồi nhưng tôi chưa bán. Nếu ở thời kỳ đỉnh cao của chu kỳ phát triển thì con trâu này phải bán được trên 50 triệu đồng. Hơn nữa, bây giờ chưa cần tiền nên tôi nuôi thêm thời gian rồi tính”. Kế bên, ông Cà Văn Ðoàn, nguyên là bộ đội tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc góp chuyện: “Chỗ này, trước nhiều hố bom, ụ pháo 12 ly 7, nhưng bà con san phẳng để làm nương, thi thoảng nhặt được cát tút gần bằng cái chén mắt trâu. Tháng 9/2017, chúng tôi đi thả trâu còn phát hiện quả bom vùi trong lòng đất, mưa xuống trơ ra một đoạn nên báo cho Ban CHQS huyện Ðiện Biên. Sau mấy ngày nghiên cứu, khảo sát, nhận thấy quả bom đã hoen gỉ, nguy hiểm khó lường, họ cho kích nổ vào lúc tờ mờ sáng!”

Cùng chúng tôi lên Pu Ca còn có bác sĩ thú y Cà Văn Tấu đến tiêm phòng cho đàn trâu. Ông Tấu trạc tuổi 60, dáng người cao gầy, là người Thái đen ở bản Bo Hóng, đã gắn bó với đàn trâu Pu Ca gần 20 năm. Trước đây, ông Tấu là chiến sĩ công an, thuộc đội phòng chống ma túy Công an tỉnh Lai Châu (cũ). Sau khi nghỉ chế độ, ông về tham gia lớp đào tạo thú ý thôn bản. Từ đó đến nay, mọi người trong bản gọi ông là “bác sĩ của trâu”.

“Gọi là bác sĩ cho oai thôi cháu ơi. Bác làm cho người dân của mình, chứ không có lương cháu ạ. Ði tiêm trâu bò cho bà con, ai thương thì trả công bằng một vài bát gạo, chứ không đòi hỏi. Xã Thanh Xương có hơn 10 người làm nghề như bác đã bỏ nghề hết rồi. Nhiều lúc vợ con kêu ca vì đi suốt, ai gọi là đi. Thậm chí nửa đêm, trời mưa, trâu bò của họ ốm, khó sinh nở họ gọi là bác đến giúp. Có những người ở tận huyện Mường Chà (cách đây hơn 50 cây số) về gọi bác cũng đến giúp. Cháu nghĩ đi, con trâu là cả sản nghiệp của người dân. Vậy mình không giúp sao được. Tội chứ! Ðúng không?” - ông Tấu nói như tự vấn.

Ông Lường Văn Phớ, người gắn bó 10 năm trên đỉnh núi Pu Ca cho biết: Trên Pu Ca này có tổng số gần 200 con trâu của hơn chục hộ. Bất kể nắng mưa hay đêm tối, lúc nào chúng tôi gọi là “bác sĩ của trâu” Cà Văn Tấu đều có mặt. Nói rồi tất cả cười vang, ánh mắt từng người bừng lên nét vui tươi.

Trời tối đậm. Lúc này, bữa tối đã được chuẩn bị xong. Chúng tôi lên núi xách theo cân thịt, mấy bìa đậu phụ làm quà; anh em thợ chăn trâu bắt thêm con gà mái mổ đãi khách. Chén rượu sóng sánh vơi lại đầy trên đỉnh Pu Ca bên ánh đèn lập lòe cho đến tận canh ba. Những câu chuyện lúc thiếu phần đầu, lúc mất khúc cuối, nhưng đều ngời lên một niềm khát khao làm giàu. Ðất cằn nhưng nghị lực không cằn. Dù đất đai nơi đây không tra ngô trồng lúa được thì dùng làm bãi chăn thả trâu. Tuy vất vả nhưng những giọt mồ hôi đổ xuống đều được đền đáp xứng đáng bằng những đàn trâu béo mọng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Tú Trinh
Bình luận
Back To Top