Giữ vững bản lĩnh trước thời cuộc

09:03 - Thứ Năm, 18/06/2020 Lượt xem: 8014 In bài viết

ĐBP - Chưa bao giờ câu chuyện trách nhiệm xã hội của nhà báo được nhắc đến nhiều như hiện nay. Bởi lẽ điều mà độc giả cần ở nhà báo không chỉ là tính trung thực, trách nhiệm với sự thật mà còn là tính nhân văn, vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội trong mỗi tác phẩm báo chí. Trước đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao của độc giả và trong xã hội hiện nay, trước những cám dỗ và áp lực từ nhiều phía thì hơn bao giờ hết, mỗi nhà báo cần rèn luyện cho mình bản lĩnh, vững vàng trước thời cuộc.

Phóng viên báo Ðảng các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc tác nghiệp tại xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) trong Chương trình Hành trình về nguồn do Báo Ðiện Biên Phủ tổ chức đầu tháng 6 vừa qua.

Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội đòi hỏi đặt ra với mỗi người làm báo chân chính trong việc đưa tới bạn đọc những thông tin chính xác, định hướng dư luận kịp thời và không đứng ngoài trước những tình huống phức tạp, sự cố phát sinh như dịch bệnh, thiên tai… Mới đây thôi, đại dịch Covid-19 ập tới khiến nền kinh tế lao đao, tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong khi cả nước, toàn tỉnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc” như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiệu triệu, nhiều biện pháp phòng chống dịch và thông tin về tình hình dịch bệnh được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhà báo nhanh chóng có mặt trên những tuyến đầu nóng bỏng. Ðể có được những thông tin, hình ảnh về hoạt động phòng, chống dịch thì người làm báo xông pha nơi tuyến đầu để phản ánh chính xác nhất, kịp thời nhất tới người đọc. Qua đó giúp người dân vững tin, đồng thuận và thực hiện đúng công tác phòng chống dịch cũng như sẻ chia với những y, bác sĩ, lực lượng vũ trang… vất vả ngày đêm nơi tuyến đầu chống dịch. Không chỉ nhân lên những điển hình hay, cách làm tốt trong công tác phòng chống dịch, trách nhiệm của người làm báo với cộng đồng, xã hội là phản ánh, phê phán hiện tượng trục lợi trong đại dịch như: Những cơ sở kinh doanh đội giá bán khẩu trang y tế gấp nhiều lần, rồi tình trạng “tích” khẩu trang y tế dẫn tới khan hiếm, thậm chí “cháy hàng”… Sau khi báo chí phản ánh, một số cơ sở kinh doanh bất chấp đạo lý, pháp luật đã bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính; công tác quản lý giá bán khẩu trang y tế được tăng cường, người tiêu dùng dễ dàng mua được sản phẩm, không còn hiện tượng khan hiếm, cháy hàng... Trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 báo chí tiếp tục phản ánh những khó khăn và sự hồi phục của nền kinh tế; những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 của Chính phủ thực hiện ở từng địa phương; sự quyết liệt phục hồi nền kinh tế của Chính phủ, của tỉnh sau đại dịch; thể hiện sự nhân văn trong từng chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước.

Không chỉ tiên phong phát hiện các vấn đề, sự việc, hiện tượng cản trở sự tiến bộ chung của xã hội để phản ánh, phê phán, các nhà báo hoạt động trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đưa tới những sản phẩm báo chí có thông tin đa chiều, phản ánh khách quan, chân thực nhất với trách nhiệm cao, định hướng thông tin rõ ràng, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực và thiết thực trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Ðó cũng là “kênh” thông tin quan trọng giúp tỉnh chỉ đạo nắm tình hình, đồng thời có những giải pháp kịp thời xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong đời sống xã hội; củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng, điều hành của chính quyền các cấp.

Gần chục năm gắn bó với nghề, phóng viên Mai Giáp, Báo Ðiện Biên Phủ tâm sự: Trách nhiệm của nhà báo không chỉ thông tin nhanh chóng, chính xác mà cần đa chiều, khách quan. Trước mỗi sự kiện dù lớn hay nhỏ nhưng bằng trách nhiệm của mình, tôi luôn cố gắng đưa tới bạn đọc những sản phẩm báo chí đáp ứng được nhu cầu thông tin thời sự nhanh chóng, chính xác mà còn thể hiện khách quan nhất, đúng bản chất sự kiện. Ðặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, điều chúng tôi quan tâm nhất đó là việc xử lý thông tin, thẩm định thông tin trước khi truyền tải tới độc giả.

Thực tế cho thấy chưa khi nào thông tin tới người dân có nhiều nguồn như giai đoạn hiện nay, khi mạng xã hội (Facebook, Zalo)… được xem là “diễn đàn tự do” thì trách nhiệm của nhà báo cần nhất đó chính là giải thích các vấn đề xã hội để định hướng dư luận thông qua kỹ năng, khả năng tiếp cận thông tin của mình, cung cấp những thông tin chính xác, minh bạch và khách quan để công chúng có cái nhìn chuẩn xác hơn.

Như lời của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội vừa qua, báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội. Cần kịp thời phát hiện cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam… Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, các nhà báo cần không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Ðiều Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tin tưởng là đội ngũ nhà báo bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sẽ tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Sự kỳ vọng, tin tưởng của Ðảng, Nhà nước vào những người làm báo là nguồn cổ vũ, động viên để mỗi nhà báo hôm nay tiếp tục trau dồi, cống hiến vì sự nghiệp báo chí cách mạng. Và nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đang tới rất gần, chúc cho mỗi người làm báo luôn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như lời của cố Nhà báo Hữu Thọ để phụng sự lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội; góp phần đắc lực hơn trong công tác tuyên truyền cho công cuộc xây dựng Ðiện Biên phát triển.

Minh Thuỳ
Bình luận
Back To Top