Cơ sở - nguồn đề tài vô tận để viết báo

09:28 - Thứ Sáu, 19/06/2020 Lượt xem: 9353 In bài viết

ĐBP - Không chỉ là phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí mà với cả những người đam mê viết lách, hễ có điều kiện đến các đơn vị cơ sở công tác, làm việc đều tranh thủ thời gian tìm hiểu viết tin, bài, chụp ảnh tuyên truyền. Bởi cơ sở là nơi phản ánh trung thực, sinh động hơi thở cuộc sống, vì thế cơ sở luôn là đề tài vô tận cho những người theo nghiệp viết.

Trên đường tác nghiệp.

Xuất phát từ một cán bộ chính trị công tác ở cơ quan quân sự huyện, rồi được thủ trưởng cấp trên ghi nhận, điều động lên Bộ CHQS tỉnh và nay là phóng viên Báo Quân khu 2. Tuy không được đào tạo chính quy chuyên ngành báo chí nhưng trong tôi lúc nào cũng cháy bỏng lòng yêu nghề. Và chính những năm tháng công tác ở cơ sở, thường xuyên gần gũi với quần chúng nhân dân đã giúp tôi trau dồi học hỏi, tích lũy nhiều vốn liếng, kinh nghiệm sống và làm việc. Ðiều đó rất có ích cho việc viết các thể loại từ bài phản ánh đến phóng sự điều tra, ghi chép… Tuy mỗi bài có những chủ đề, nội dung khác nhau nhưng tựu trung lại đều mang đậm hơi thở của cơ sở, của cuộc sống đương đại nên các báo, tạp chí rất dễ đăng. Tối kỵ kiểu phóng viên đi cơ sở nhưng lười suy nghĩ, lắng nghe, thiếu quan sát mà chỉ uống nước chè hoặc tập trung gặp gỡ, giao lưu... Sau đó xin báo cáo của đơn vị cơ sở về “phóng” thành bài nọ, phóng sự kia. Dạng bài viết như vậy rất khô cứng, mang nặng tính “báo cáo hóa”, rất khó đi vào lòng người.

Do vậy mỗi khi có điều kiện đi cơ sở công tác, tôi đều tranh thủ, tận dụng tối đa thời gian để tìm hiểu, trò chuyện, chịu khó tìm tòi phát hiện những cái hay, vấn đề mới để đề cập viết bài, chụp ảnh tuyên truyền. Vẫn biết chủ đề viết báo như quả chín lấp lá, nhưng người làm báo phải có nhãn quan chính trị, biết quan sát, lắng nghe phát hiện vấn đề cả cái đẹp, cái chưa đẹp, những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống mà dư luận đang quan tâm. Không chỉ tìm hiểu viết bài đã có ý định, có kế hoạch từ trước mà sẵn sàng tư thế đi sâu tìm hiểu viết những vấn đề mới, cái hay từ cơ sở cung cấp. Không nên “vơ bèo, vạt tép” hoặc tô hồng, vẽ bóng mà cần tìm hiểu sâu kỹ vấn đề định viết. Có như vậy bài viết mới hay, không những thuyết phục được bạn đọc mà còn có tác động tích cực cho chính đơn vị cơ sở hoặc nhân vật trong bài viết. Mỗi thông tin, tư liệu, việc làm từ cơ sở luôn là đề tài “nóng hổi” mà mỗi người viết rất cần. Song để đến được với bạn đọc lại phải cần một góc nhìn, một cách viết của nhà báo sao cho thuyết phục.

Là phóng viên Báo Quân khu 2, chúng tôi thường xuyên đến cơ sở tìm hiểu viết bài tuyên truyền các hoạt động của quân và dân Tây Bắc. Với đặc điểm địa bàn rộng, chủ yếu là miền núi, giao thông đi lại khó khăn. Nhưng với lòng yêu nghề, say mê viết lách nên mỗi lần được đi cơ sở công tác tôi rất hứng thú. Do vậy đã đi cơ sở về là có chủ đề viết báo (không ít thì nhiều). Ít thì một hai bài, nhưng có lần đi cơ sở tôi viết gần chục bài. Ðó là chuyến công tác đáng nhớ để lại nhiều kỷ niệm nhất trong tôi.

Ðó là vào dịp đầu tháng 5 năm 2019 tôi và nhà báo Trung Hiếu đi công tác tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ (tỉnh Ðiện Biên). Chuyến đi kéo dài 5 ngày, nhưng chủ yếu là thời gian đi đường. Vì từ cơ quan (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) lên đến trung tâm tỉnh Ðiện Biên đã hơn 400km và từ thành phố Ðiện Biên Phủ vào huyện Mường Nhé phải thêm 220km nữa. Và từ huyện đến các xã giáp biên giới, đồn biên phòng lại mất vài tiếng. Như vậy, mất gần 3 ngày đi đường, thời gian làm việc chỉ vỏn vẹn có 2 ngày.Hành trang mang theo ngoài quân tư trang cá nhân, chiếc máy ảnh, máy ghi âm và cuốn sổ ghi chép, chúng tôi còn có tâm thế của những nhà báo - chiến sĩ rất háo hức của người lần đầu đặt chân đến cực Tây Tổ quốc.

Trong khoảng thời gian ít ỏi, qua gặp gỡ, trò chuyện, tìm hiểu từ cơ sở, bộ đội và nhân dân, trong đầu tôi đã lóe lên nhiều ý tưởng viết bài. Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, tổng kết chuyến đi, tôi đã viết được gần chục bài thuộc nhiều thể loại như phóng sự, ghi chép, bài phản ánh... Ðó là loạt bài 3 kỳ “Ðổi thay Mường Nhé” (Báo Quân khu 2), “Nhân viên tài chính tận tâm” (Báo Ðiện Biên Phủ), “Thao trường dân quân nơi biên giới” (Báo Nhân dân), “Ðưa hậu phương lên miền biên giới”, “Chiến sĩ áo trắng ở Nậm Pồ”, “Ðường vào lòng dân”, “Giúp đồng bào dân tộc an cư lập nghiệp” (Báo QÐND)… Trong đó có một số tác phẩm tham gia dự thi viết “Quân đội anh hùng- Quốc phòng vững mạnh”; “Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy”…

Tất nhiên, đề tài viết báo như “quả chín lấp lá”, chỉ có những người thực sự đam mê viết báo, có nhãn quan và cách nhìn sâu sắc vấn đề thì mới phát hiện ra. Nhưng dù gì thì cơ sở vẫn mãi là đề tài vô tận, không bao giờ vơi cạn, giúp các nhà báo cả chuyên và không chuyên khai thác, tìm hiểu viết bài. Chính hơi thở cuộc sống từ cơ sở sẽ hấp dẫn và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Bài, ảnh: Ðào Duy Tuấn

(Báo Quân khu 2)

Bình luận
Back To Top