Nỗi niềm trí thức trẻ

08:52 - Thứ Năm, 25/06/2020 Lượt xem: 8192 In bài viết

ĐBP - Ðề án Thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 đã mang lại những kết quả tích cực, được chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận. Song cũng còn những băn khoăn, nỗi niềm của các đội viên khi Ðề án sẽ kết thúc vào tháng 7/2020.

Ðội viên Lò Văn Tiệp, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Mường Luân (đứng thứ 2 từ trái sang) học hỏi kinh nghiệm quản lý tư pháp - hộ tịch từ cán bộ Văn phòng UBND huyện Ðiện Biên Ðông.

Xung phong về xã nghèo

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (gọi tắt là Ðề án 500). Căn cứ kết quả khảo sát nhu cầu, toàn tỉnh đã lựa chọn được 10 trí thức trẻ về công tác tại 10 xã thuộc 7 huyện trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ tháng 8/2015. Các đội viên được bố trí thực hiện công việc của các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã.

5 năm trôi qua, đội viên Lò Thị Yến (quê ở xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông) đã thân thuộc với vùng đất Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Tốt nghiệp khoa Công nghệ Môi trường, Trường Ðại học Lạc Hồng Ðồng Nai năm 2013, cô gái sinh năm 1989 tham gia Ðề án 500 trí thức trẻ tình nguyện và được bố trí đảm nhận nhiệm vụ địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã Xá Nhè. Những ngày đầu nhận công tác, Yến phải đối mặt với nhiều khó khăn; đặc biệt là bất đồng về ngôn ngữ, bởi trên địa bàn xã Xá Nhè chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống. Ðể đáp ứng yêu cầu công việc và hoàn thành nhiệm vụ, Yến đã tự nghiên cứu tìm tòi, học tiếng Mông để giao tiếp với người dân nơi đây bằng tiếng địa phương. Trong quá trình công tác, đội viên Lò Thị Yến đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều hoạt động, chương trình hành động thiết thực, mang lại hiệu quả, như: Ra quân bảo vệ môi trường; thành lập các khu dân cư tự quản về môi trường; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế… được chính quyền xã và người dân ủng hộ.

Cũng sinh ra và lớn lên tại xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông), sau khi tốt nghiệp Trường Ðại học Mở Hà Nội, chàng trai Lò Văn Tiệp có nguyện vọng trở về góp sức dựng xây quê hương. Nhận công tác tại xã Mường Luân, Tiệp được giao đảm nhận chức danh tư pháp - hộ tịch. Là người địa phương nên Tiệp có nhiều thuận lợi trong công việc, vì vậy nhanh chóng bắt nhịp và phát huy được sở trường của mình. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Tiệp còn tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã triển khai nâng cao chất lượng công tác đăng ký khai sinh trên địa bàn. Ðể đạt hiệu quả, Tiệp không quản khó khăn, vất vả đi từng bản, xuống từng nhà nắm bắt tâm tư, tình cảm kết hợp tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức, thực hiện đúng quy định pháp luật.

Nhận xét về đội viên Lò Văn Tiệp, ông Lò Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: Trong cuộc sống thường nhật, cũng như trong công việc, Tiệp đều có ý thức kỷ luật; chấp hành tốt nội quy, quy chế và phục tùng sự phân công của tổ chức. Là người được đào tạo có chuyên môn, bài bản nên trong quá trình công tác, Tiệp luôn phát huy, áp dụng kiến thức vào thực tiễn địa phương. Ðiển hình như trước đây, khi người dân đến giải quyết các hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến lĩnh vực tư pháp - hộ tịch gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Sau khi được phân công về xã, Tiệp đã tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền đổi mới mô hình hoạt động tại bộ phận “Một cửa”. Nhờ vậy, tiến độ giải quyết công việc nhanh hơn nhiều, mức độ hài lòng của người dân cũng được nâng lên; các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, rõ ràng để người dân tìm hiểu, nắm bắt. 4 năm công tác Tiệp luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Và những niềm trăn trở

Hết tháng 7/2020, thời gian thực hiện Ðề án 500 sẽ kết thúc. Qua đánh giá phân loại công chức hàng năm, 100% đội viên trí thức trẻ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Cũng như Lò Thị Yến hay Lò Văn Tiệp, các đội viên tham gia đề án trên địa bàn tỉnh luôn mang tinh thần xung kích, sáng tạo, khát khao cống hiến với mong muốn được góp phần giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển KT - XH, xóa đói giảm nghèo. Song khi thời hạn kết thúc hợp đồng của Ðề án 500 gần kề, các đội viên cũng có những băn khoăn nhất là trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế.

Chia sẻ với chúng tôi, đội viên Lò Thị Oánh (quê xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà), cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) cho biết: “Khi biết tỉnh tổ chức xét tuyển trí thức trẻ, tôi tham gia và trúng tuyển. Ðược phân công làm việc tại xã Mường Nhé, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và muốn có một công việc ổn định để tiếp tục cống hiến. Tôi vẫn luôn mong muốn, sau khi kết thúc đề án, chúng tôi sẽ tiếp tục được bố trí công việc. Tôi không biết sắp tới mình sẽ đi đâu. Tuy nhiên, nếu tiếp tục được ở lại công tác hoặc được phân công đến vùng xa xôi, vất vả hơn nữa để giúp bà con, tôi cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ”.

Cũng như bao người khác, khi biết đề án sắp kết thúc, đội viên Lò Thị Yến, công tác tại xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) cũng không khỏi băn khoăn. Yến cho biết: “5 năm gắn bó với địa bàn Xá Nhè, tôi rất quý người dân nơi đây và mong muốn tiếp tục được gắn bó, cống hiến lâu dài với vùng đất này. Nhưng nay, thời gian đề án sắp kết thúc, tôi không biết có được làm việc ở đây nữa hay không. Nếu kết thúc đề án mà không được sắp xếp, bố trí công việc thì rất khó khăn cho cuộc sống gia đình và tìm kiếm công việc mới. Vì vậy, tôi mong muốn trung ương, các cấp, ngành sớm có phương án cụ thể để đội viên Ðề án 500 tiếp tục được cống hiến”.

Ðược biết, để chuẩn bị cho tổng kết Ðề án 500 và công tác bố trí sử dụng đội viên sau khi đề án kết thúc theo đúng lộ trình đề ra, tỉnh đã tiến hành khảo sát nguyện vọng của các đội viên và nhu cầu sử dụng, phương án bố trí của các địa phương. Kết quả, 100% đội viên đều có đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và có nguyện vọng ở lại công tác tại xã đang làm việc hoặc các phòng, ban chuyên môn của huyện. Thế nhưng, qua tìm hiểu (tính đến ngày 21/6) mới chỉ có 4/10 đội viên được UBND các huyện có phương án bố trí sử dụng sau khi đề án kết thúc. Còn lại hầu hết các địa phương đều cho rằng hiện nay tỉnh đang tập trung thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy hành chính theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương nên các địa phương không tiến hành quy hoạch và bố trí sử dụng được đội viên do biên chế không còn.

Bên cạnh đó, ngày 24/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 34/2019/NÐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã... Theo đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã đều giảm biên chế 2 người/xã so với trước đây. Vì vậy, phương án tuyển đội viên vào công chức xã không thể thực hiện được do biên chế cấp xã đã đủ hoặc còn đang dôi dư so với quy định; trong khi số dôi dư này đang phải sắp xếp để đảm bảo số lượng theo đúng quy định. Ðối với biên chế các phòng ban chuyên môn cấp huyện mặc dù còn thiếu, nhưng một số đội viên không có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí công tác. Trong khi đó hiện Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc bố trí sắp xếp cho đội viên khi đề án kết thúc.

Việc thực hiện Ðề án thí điểm trí thức trẻ tình nguyện nhằm tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ, từ đó tạo nguồn cán bộ có chất lượng cho cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Các cấp, ngành chức năng cần sớm có hướng dẫn, giải pháp giải quyết bố trí công tác cho đội viên sau khi kết thúc Ðề án để những trí thức trẻ tiếp tục cống hiến.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top