“Cây đại thụ” ở Ngải Thầu

08:58 - Thứ Năm, 25/06/2020 Lượt xem: 7342 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi về bản Nà Bủng 2, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ trong những ngày cả nước chung tay phòng chống Covid-19. Tại địa bàn biên giới Nậm Pồ việc này cũng sục sôi không kém. Trong chuyến công tác ấy, cùng với những chiến sĩ bộ đội biên phòng, chúng tôi gặp một nhân vật đặc biệt - Mùa Chờ Thào. Ðặc biệt vì, ông được người dân nơi đây và cả những cán bộ chiến sĩ biên phòng ví như “cây đại thụ” trên đỉnh Ngải Thầu - đỉnh núi như bức thành vững chãi bao bọc xã Nà Bủng.

Cán bộ Ðồn Biên phòng Nà Bủng thăm hỏi động viên và nắm tình hình địa bàn qua ông Mùa Chờ Thào (ngoài cùng bên trái), người uy tín bản Nà Bủng 2, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ).

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về ông là người mạnh mẽ; đôi mắt sáng, dáng người đậm, nước da đỏ hồng, giọng nói hào sảng, tác phong nhanh nhẹn dứt khoát. Câu chuyện của ông Thào đưa chúng tôi ngược về những năm đầu của thập niên 90, thế kỷ XX, khi ông lần đầu đặt chân đến Nà Bủng. Lúc ấy khu vực Nà Bủng, Vàng Ðán, Nà Hỳ còn chưa có đường đi; di chuyển phần nhiều theo khe suối, đường mòn cắt ngang rừng; giao thông mới mở đến cây số 34 (xã Si Pa Phìn ngày nay). Nhóm di cư lúc ấy có khoảng 10 hộ với trên 30 nhân khẩu, chủ yếu từ Hà Giang chuyển đến. Cuộc sống ban đầu khi mới sơ khai lập bản vô cùng khó khăn, đa phần người dân vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên. Ðể có muối dùng thời bấy giờ, người dân ở đây phải gùi từ 30 - 50kg gạo, băng rừng vượt suối ra cây 34 đổi, cả đi lẫn về mất 5 ngày đường. Gia đình nào đi đổi được về thì chia cho các hộ khác cùng dùng, cứ như vậy thay phiên nhau...

“Bén duyên” với vùng đất Nà Bủng, thông thuộc địa bàn nên ông Mùa Chờ Thào trở thành người dẫn đường và bạn đồng hành với bộ đội khi đi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ðường chưa thuận lợi, mỗi lần đi tuần tra kéo dài cả tuần, phải chuẩn bị từ hạt muối, gạo, xoong, nồi mang theo để nấu ăn; rồi cứ thế “xé rừng” vén cây, men theo khe suối mà đi. Nhiều đoạn trơn trượt, đá tai mèo nhọn hoắt bị ngã, chân tay trầy xước, chảy máu là chuyện thường. Biên giới dài, mùa mưa cây nhanh tốt, cộng với sáng sớm sương mù, có những lần mất nhiều giờ để tìm cột mốc rồi cũng chừng ấy thời gian để phát cây dọn cỏ.

Giao thông khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế nên nhiều việc hiểu chưa đúng, làm chưa thông, dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động chống phá Nhà nước. Việc tuyên truyền vận động người dân không tin, không nghe theo kẻ xấu gặp rất nhiều khó khăn. Ông Thào đã đặt mình vào vị trí của dân, giải thích, thuyết phục bằng những ví dụ gần gũi để bà con hiểu. Mưa dầm thấm lâu, vừa giải thích, thuyết phục, vừa cả bằng hành động nêu gương của bản thân và gia đình, vì thế nhiều vấn đề đã được tháo gỡ. Ban đầu người dân không thích bộ đội biên phòng và công an vì cho rằng họ hay bắt người. Ông Thào đến tận nhà nói chuyện để họ dần hiểu ra. Ông Thào chia sẻ: Tôi nói với bà con rằng, bộ đội, công an bảo vệ an ninh trật tự, bình yên cho nhân dân khỏi các đối tượng xấu, buôn bán phụ nữ, tệ nạn ma túy. Cũng giống như người dân mình muốn bảo vệ nhà cửa, hoa màu, trâu bò thì nhà mình cần phải có hàng rào. Mình không làm sai, không vi phạm pháp luật (không phá rừng, không trồng cây thuốc phiện, không đi theo kẻ xấu…) thì công an không bắt mình đâu. Cán bộ nào có biểu hiện không tốt thì bà con báo tôi, tôi có ý kiến lên cấp trên; hay bản thân tôi còn chỗ nào chưa tốt, bà con cũng góp ý trực tiếp để tôi sửa...”. Với cách làm khéo léo, gần gũi như trên, dần dần người dân Nà Bủng 2 hiểu, không còn sợ công an, bộ đội nữa; biết việc gì là vi phạm pháp luật không nên làm…

Với cấp ủy chính quyền, ông Thào luôn là cầu nối, là cánh tay đắc lực về tuyên truyền chủ trương chính sách đến người dân; lắng nghe ý kiến nhân dân. Từ đó, trực tiếp giải thích cho người dân, hoặc báo cáo lên trên để tìm hướng tháo gỡ. Năm 2005, ông Thào phát hiện 3 đối tượng từ bên Lào vào địa bàn lôi kéo, rủ rê thanh niên trai tráng trên địa bàn cho đi học võ, học bắn súng, tuyên truyền thành lập nhà nước riêng. Qua theo dõi ông biết được Hờ Sáy Tùng, trưởng bản Ngải Thầu 1 đã tiếp tay cho 3 đối tượng xấu vào hoạt động tại địa bàn. Anh em, họ hàng nhà Hờ Sáy Tùng cũng có biểu hiện đi theo kẻ xấu. Một mặt ông báo cáo bộ đội biên phòng, mặt khác ông đã gọi Hờ Sáy Tùng đến nhà tuyên truyền, vận động, giải thích, khuyên can: “Con làm thế là sai. Trái với chủ trương của Ðảng, Nhà nước. Bố gọi con đến đây để nói nhỏ cho con biết. Nếu còn tiếp tục sai, còn để các đối tượng xấu vào địa bàn bố sẽ báo lên cấp trên bắt con”. Qua tuyên truyền vận động, Hờ Sáy Tùng đã nhận ra và sửa sai; đến năm 2007, không cho kẻ xấu vào địa bàn bản Ngải Thầu 1, 2 tuyên truyền, hoạt động trái phép; đồng thời, vận động người nhà, bà con trong bản không tin, không nghe và đi theo kẻ xấu.

Gần dân, sát dân, phối hợp tốt với chính quyền và các lực lượng biên phòng, công an giữ yên bản làng nên ông Thào nhiều lần bị kẻ xấu thù ghét, tìm cách phá hoại. Năm 2004, nhiều lần nhà ông Thào bị đối tượng xấu ném đá vào nhà lúc nửa đêm. Năm 2012, còn có nguồn thông tin cảnh báo về việc đối tượng xấu liên kết với lực lượng nước ngoài muốn ép ông giúp chúng thực hiện ý đồ kêu gọi người dân trong vùng đi theo thành lập nhà nước riêng, nếu không đồng ý sẽ “thủ tiêu”. Ông Thào vẫn quyết tâm theo Ðảng, gần dân hơn, tiếp tục là cánh tay nối dài của chính quyền. Ông và gia đình được hướng dẫn đi đâu cũng đều từ 3 - 5 người, không đi một mình; thường xuyên thay đổi chỗ ngủ trong nhà. Chia sẻ, sát cánh cùng ông, có đợt mấy tháng liền nhà ông có vài người dân trong bản và cán bộ chiến sĩ ở cùng...

Không chỉ tham gia bảo vệ đường biên mốc giới, chống các hoạt động “diễn biến hòa bình”, thành lập “Nhà nước Mông”, ông Mùa Chờ Thào còn vận động vợ con, người thân trong gia đình tham gia vào các hoạt động đoàn thể, xã hội, tham gia bảo vệ đường biên mốc giới. Ông luôn là tấm gương sáng cho con cháu, thế hệ trẻ trên địa bàn học tập và noi theo. Ông Thào có 4 người con đều được học hành đầy đủ; người con thứ 3 (Mùa A Chay) có 2 bằng đại học; con trai cả Mùa Páo Sỉnh làm Bí thư Chi bộ bản Nà Bủng 1, 2; người con trai thứ 2 làm công an xã Nà Bủng; vợ ông (Vàng Thị Vang), từng có 6 năm làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nà Bủng.

Anh Mùa Páo Sỉnh (con trai ông Thào) chia sẻ: Bảo vệ đường biên, cột mốc chính là bảo vệ bình yên cho bản làng, cho gia đình mình, bố đã dạy chúng tôi thế! Chính vì vậy, khi bố tôi tuổi cao, đi rừng không còn được nhanh nhẹn như trước nữa; mấy anh em chúng tôi cùng nhau tiếp tục công việc tham gia bảo vệ đường biên cột mốc mà bố đã làm. Bằng cách phối hợp với bộ đội biên phòng đi tuần tra; những lần đi làm, đi thăm nương tôi đều ghé qua cột mốc kiểm tra. Cách đây hơn chục năm, trong một lần đi thăm nương tôi đã phát hiện có một đối tượng lạ từ Lào sang. Có mang theo súng, ban ngày hắn đi đâu không rõ nhưng cứ tối lại về gần khu vực cột mốc 49 để ngủ. Qua theo dõi nhiều ngày, tôi đã bí mật báo cáo lên đồn biên phòng, tổ chức mật phục vây bắt thành công đối tượng và bàn giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh xử lý.

Là người có uy tín trong khu vực, người dân ở đây ví ông Mùa Chờ Thào như “cây đại thụ” giữa đỉnh Ngải Thầu. Nói về ông Thào, anh Thào A Năng, người dân bản Nà Bủng 2 chia sẻ: Ông Thào là già làng, người uy tín của bản, của xã; về phong tục tập quán của truyền thống của người Mông, ông Thào như là cuốn tư liệu sống của dân bản chúng tôi. Mọi việc trong bản các thủ tục ma chay, cưới hỏi mọi người đều đến hỏi, tham khảo ý kiến già Mùa Chờ Thào. Không những vậy ông còn là cầu nối tuyên truyền chủ trương của Ðảng, Nhà nước đến với từng người dân; cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng từng tin, nghe theo kẻ xấu…

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top