“Trợ lực” cho những mái ấm gia đình

08:26 - Thứ Sáu, 26/06/2020 Lượt xem: 7717 In bài viết

ĐBP - Gia đình là chốn đi về, là nơi ấm áp, san sẻ yêu thương cũng là động lực tiếp thêm sức mạnh để mỗi người vững bước trong cuộc sống. Cũng vì lẽ ấy, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững không chỉ là việc làm, là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là mối quan tâm lớn của cộng đồng, xã hội, được Nhà nước, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Sự quan tâm đó là nguồn động viên, cổ vũ để ngày càng có thêm nhiều hơn những gia đình hạnh phúc, bền vững; là tổ hợp của “tế bào” lành mạnh thúc đẩy xã hội phát triển.

Chúng tôi gặp chị Lò Thị Ðoán, bản Vánh 3, xã Chiềng Ðông (huyện Tuần Giáo) vào buổi chiều muộn khi chị đang sửa soạn cho chuyến về TP. Ðiện Biên Phủ dự Hội nghị tổng kết Dự án 3 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” thuộc Ðề án 279 “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Chị Ðoán chia sẻ, thật vinh dự và tự hào khi mình là 1 trong 3 cá nhân tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn gia đình hội viên, phụ nữ của huyện được tham dự hội nghị lần này. Trước nay mình cùng chồng chỉ nghĩ và luôn nỗ lực giáo dục truyền thống, giá trị cuộc sống gia đình cho con cái và tổ chức cuộc sống để cả nhà sống đầm ấm, đủ đầy, gia đình hạnh phúc. Ðể có cuộc sống như hôm nay với gia đình mình không chỉ là sự quyết tâm mà còn đong đầy sự thấu hiểu, chia sẻ, đỡ đần của mỗi thành viên; bởi một bàn tay vỗ thì đâu thành tiếng. Công việc đồng áng, chăn nuôi vất vả chiếm phần lớn thời gian trong ngày nhưng mỗi khi có thời gian thì vợ chồng chị đều quây quần cùng tâm sự, lắng nghe để thấu hiểu, chỉ bảo, giáo dục con cái.

Chị Ðoán tâm sự: Gia đình mình cũng giống như các gia đình khác trong xã, trong bản mà thôi, có chăng chỉ là ước muốn luôn đau đáu phải nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, trở thành người công dân có ích cho xã hội. Bản thân mình luôn tâm niệm gia đình hạnh phúc phải bắt đầu từ sự chung sức đồng lòng biết nhường nhịn và sẻ chia. Thống nhất trong cách làm kinh tế cũng là cách nuôi dưỡng tế bào gia đình khỏe mạnh, bởi điều kiện kinh tế dù không phải là yếu tố quyết định của gia đình hạnh phúc, song không thể thiếu trong quá trình xây dựng “tổ ấm”. Chị Ðoán cùng chồng bàn bạc chuyển đổi cơ cấu sản xuất phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi chủ lực các loại gia súc (trâu, bò, lợn) và gia cầm. Nguồn thu từ bán vật nuôi hàng năm hơn 60 triệu đồng giúp gia đình chị có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn và tạo được nguồn lực để nuôi dạy các con. Hiện 3 người con của chị đều lập gia đình có cuộc sống ổn định, ấm no; gia đình chị Ðoán luôn hòa thuận, hạnh phúc. Chị cũng là thành viên tích cực tham gia Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững bản Vánh 3. Chị thường xuyên trao đổi kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình với các chị em khác; giúp vốn, giống trong sản xuất, chăn nuôi… góp phần hỗ trợ để thêm nhiều gia đình xây dựng được cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

Sau nhiều năm thực hiện Dự án 3 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” điều chị Vừ Ðào My, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phấn khởi nhất đó là sự ủng hộ nhiệt tình của hội viên, phụ nữ, nhân dân mong muốn xây dựng một gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc để gia đình thực sự là “tế bào” lành mạnh của xã hội. Nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững được các cấp hội đặc biệt quan tâm với các giải pháp thực hiện trong thời gian qua gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng kế hoạch giúp phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo; huy động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững… nhằm nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ về ý thức và tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững. Khơi dậy tinh thần trách nhiệm của từng hội viên, phụ nữ và gia đình chủ động tự lực phát triển kinh tế, nâng cao vị thế và sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ trong gia đình, xã hội. Trung bình mỗi năm các cấp hội tuyên truyền, vận động hàng nghìn lao động nữ tham gia các lớp đào tạo nghề, tham gia hội chợ việc làm nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh. Vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh bằng các hoạt động thiết thực, phù hợp với địa phương. Ðẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế; phát huy nội lực, huy động tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ, giúp đỡ nhau về vốn, giống, ngày công; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ chuyển đổi, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, mở rộng ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, du lịch; duy trì và phát triển mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản… giúp phụ nữ giảm nghèo. Ðặc biệt là nguồn vốn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 744 tỷ đồng đã giúp hàng chục nghìn gia đình hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top