Tăng cường chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp

08:50 - Thứ Hai, 29/06/2020 Lượt xem: 6141 In bài viết

ĐBP - Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung, đào tạo nghề nông nghiệp nói riêng tại các địa phương trong tỉnh thời gian qua được thực hiện gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ðể đảm bảo triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp hiệu quả, chất lượng, công tác kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo được các sở, ngành, địa phương tăng cường.

Giáo viên Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) trao đổi chương trình học nghề kỹ thuật nuôi cá nước ngọt với nông dân xã Thanh An (huyện Ðiện Biên).

Năm 2019, tổng kinh phí dành cho đào tạo nghề nông nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố hơn 10,9 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 7,4 tỷ đồng). Nguồn kinh phí này đã giúp hơn 3.700 lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp. Tăng cường quản lý nguồn vốn và hiệu quả chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp, cuối năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra công tác đào tạo nghề nông nghiệp tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, tại các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, 13 cơ sở tham gia đào tạo nghề nông nghiệp phối hợp với UBND các xã, bản thuê trung tâm giáo dục cộng đồng, nhà văn hóa, trường học, nhà dân để giảng dạy, các điều kiện cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Quá trình tổ chức dạy nghề nông nghiệp đúng chương trình đào tạo, kế hoạch dạy nghề được phê duyệt. Việc tổ chức kiểm tra, công nhận tốt nghiệp đối với người học nghề được thực hiện theo quy định. Các biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học đối với lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thực hiện đúng theo quy định hiện hành.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua kiểm tra cho thấy công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại các huyện, thị xã, thành phố cơ bản đáp ứng theo nhu cầu lao động của địa phương. Ða số lao động nông thôn học nghề nắm được kiến thức, kỹ năng được cung cấp; trong quá trình triển khai, cơ sở đào tạo đã thực hiện đầy đủ các chính sách đối với giáo viên và người học nghề theo quy định. Trên 85% lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nâng cao thu nhập. Nhiều lao động sau học nghề mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cao hơn trước. Tuy nhiên, nội dung giáo trình của một số cơ sở đào tạo cấp cho người học còn chưa phù hợp với nhận thức của người học nghề; quá trình đào tạo một số lớp nghề chưa áp dụng các phương tiện hỗ trợ đào tạo vào giảng dạy (tranh ảnh, hình vẽ, thiết bị trình chiếu…). Ðối với các lớp nghề đào tạo (trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng) đa dạng, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất của từng địa phương. Do đó, đa số cơ sở đào tạo thiếu giáo viên đúng chuyên môn nên phải hợp đồng giáo viên dạy nghề. Một số nơi chưa thực hiện tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của lao động nông thôn nên chưa phát huy hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động; chưa xây dựng kế hoạch để đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ…

Năm 2019, Chi cục Phát triển nông thôn hợp đồng phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Ðiện Biên, Cao đẳng Công nghiệp cao su tỉnh Bình Phước; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà và Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh mở 11 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 375 lao động nông thôn (đạt 108% kế hoạch). Riêng Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tỉnh Bình Phước đào tạo nghề khai thác mủ cao su cho 100 nông dân theo đăng ký đặt hàng của Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên tại các vùng dự án phát triển cây cao su. Sau khi được cấp chứng chỉ học nghề và doanh nghiệp trực tiếp sát hạch đều được tạo việc làm, với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục phối hợp đào tạo 5 lớp khai thác mủ cao su, 4 lớp đào tạo các nghề kỹ thuật trồng ngô, nuôi cá nước ngọt, trồng cây ăn quả; kỹ thuật chăn nuôi, trị bệnh cho trâu bò tại huyện Ðiện Biên, Mường Chà phục vụ chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho tổng số 285 học viên tham gia. Ðể chương trình đào tạo nghề nông nghiệp hiệu quả, Chi cục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo, đối tượng đào tạo cũng như hiệu quả, kết quả làm nghề sau đào tạo, với mục tiêu cao nhất là giúp nông dân có tay nghề, tăng thu nhập góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi năng suất, hiệu quả.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top