Quan tâm chăm sóc người có công với cách mạng

08:59 - Thứ Tư, 08/07/2020 Lượt xem: 7171 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi đến Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh vào một buổi chiều đầu tháng 7, được gặp và trò chuyện với thương binh Khoàng Văn Xóm (83 tuổi) bản Mới 1, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) đang điều dưỡng tại Trung tâm. Ông Xóm tâm sự: Tôi nhập ngũ năm 1959, tham gia chiến đấu tại cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào), năm 1964, tôi bị thương nặng, được đưa về nước điều trị và xuất ngũ sau đó với mức độ thương tật 44%. Về địa phương tôi tham gia nhiều hoạt động, từng giữ các chức vụ: Ðội trưởng đội sản xuất, phó chủ tịch, chủ tịch UBND xã, đến năm 1998 về nghỉ hưu. Từ đó đến nay, mỗi dịp lễ tết, ngày 27/7 tôi đều được nhận quà, các chế độ quan tâm, chăm sóc của Ðảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Ðây là lần thứ 4 tôi được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ đưa về điều dưỡng ở Trung tâm. Ở đây tôi thấy rất vui, thoải mái vì được cán bộ điều dưỡng, nhân viên y tế chăm sóc ân cần, nhiệt tình, chu đáo. Tôi được kiểm tra sức khỏe hàng ngày, hướng dẫn chế độ ăn, tập thể dục phù hợp với sức khỏe bản thân; được đi tham quan các khu di tích lịch sử trên địa bàn. Tôi thấy biết ơn Ðảng, Nhà nước và chính quyền, đoàn thể các cấp đã quan tâm chăm sóc đến những cựu binh như chúng tôi…

Nhân viên y tế Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng hướng dẫn người đến điều dưỡng sử dụng ghế mát xa toàn thân.

Ông Tòng Văn Nún, thương binh (2,31% thương tật) bản Na Phát A, xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) chia sẻ: Ðây là lần đầu tiên tôi về điều dưỡng tại Trung tâm. Ðiều dưỡng được 3 hôm rồi, cán bộ đón tiếp, phục vụ rất nhiệt tình, chu đáo, nhẹ nhàng; phòng ốc gọn gàng sạch sẽ; khẩu phần ăn thay đổi theo từng bữa, đảm bảo dinh dưỡng và có những món ăn dân tộc rất hợp với khẩu vị của người dân tộc Thái như tôi. Ngoài ra, còn có sân tập thể dục (bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn…) ghế mát xa toàn thân. Nhiều tuổi rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nằm trên cái ghế mát xa đấy, hiện đại và dễ chịu lắm…

Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng được thành lập thực hiện tiếp đón thân nhân liệt sĩ trong cả nước đến Ðiện Biên thăm viếng, tìm kiếm mộ liệt sĩ có chỗ ăn nghỉ. Ðồng thời là nơi bố trí nhân viên thường trực đón tiếp 24/24 giờ; phục vụ nấu ăn khi thân nhân có nhu cầu báo cơm; bố trí xe đưa đón thân nhân đi thăm viếng, tìm kiếm mộ liệt sĩ. Ðây cũng là nơi tổ chức những đợt điều dưỡng cho các đối tượng chính sách của tỉnh. Trung bình mỗi năm Trung tâm tiếp đón trên 500 lượt thân nhân liệt sĩ trong cả nước; tổ chức 4 đợt điều dưỡng cho trên 150 người thuộc đối tượng chính sách của tỉnh.

Bà Trần Thị Tươi, Giám đốc Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng - người đã có trên 10 năm công tác tại Trung tâm cho biết: Ðể làm tốt công tác điều dưỡng cũng như tiếp đón thân nhân liệt sĩ, hàng năm Trung tâm đều xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ phận phòng ban. Lên kế hoạch trực lãnh đạo, trực nhà ăn, phòng ở; đội ngũ y sĩ, bảo vệ trực 24/24 giờ. Ngay sau khi các đoàn đến điều dưỡng, Trung tâm tổ chức khám và kiểm tra sức khỏe toàn diện; lập kế hoạch chăm sóc cho từng người. Do phần lớn người đến điều dưỡng đều cao tuổi, sức khỏe yếu, do vậy cần có chế độ chăm sóc thích hợp (chế độ ăn, vui chơi, tập luyện và dùng thuốc bổ)… Nhờ lên kế hoạch cụ thể, chi tiết mà từ khi thành lập đến nay Trung tâm chưa để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào về mất vệ sinh an toàn thực phẩm; đa số các bác sau đợt điều dưỡng đã cải thiện đáng kể về sức khỏe và tinh thần…

Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên khang trang sạch đẹp của Trung tâm, bà Trần Thị Tươi không quên dẫn đến một gian phòng nhỏ, nơi ghi sổ lưu niệm, treo ảnh chụp những đoàn cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trong và ngoài tỉnh đã từng về nghỉ ngơi, điều dưỡng tại Trung tâm. Lần giở từng trang trong cuốn sổ ghi lưu niệm, bìa đã bạc màu và những trang giấy đã ngả vàng theo thời gian, nhưng vẫn còn đó những nét chữ rất ngay ngắn, tỷ mỉ của những cựu binh đã ghi lại dòng cảm xúc trong những ngày điều dưỡng tại Trung tâm.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top