“Rừng là cuộc sống của tôi”

10:33 - Thứ Bảy, 25/07/2020 Lượt xem: 5335 In bài viết

ĐBP - Khi trò chuyện với anh Triệu Văn Tấn, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng, tôi cảm nhận ở anh một tình yêu với rừng đến kỳ lạ! Anh Tấn bảo: “Rừng là cuộc sống của tôi”!

Anh Triệu Văn Tấn chuẩn bị lên đường tuyên truyền Luật Bảo vệ phát triển rừng bằng loa lưu động.

Tốt nghiệp Ðại học Lâm nghiệp, chàng trai quê gốc Phú Thọ Triệu Văn Tấn đã lựa chọn Ðiện Biên là quê hương thứ hai của mình. 24 năm gắn bó với ngành Kiểm lâm Ðiện Biên, chân anh đã in dấu hầu khắp những cánh rừng. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ rằng cũng không chắc những cánh rừng Mường Ảng ngày một thêm xanh này đã là điểm dừng chân cuối cùng trong sự nghiệp giữ rừng của anh hay không? Hiện tại với vai trò là Kiểm lâm địa bàn 2 xã Nặm Lịch và Ẳng Cang, hầu hết thời gian làm việc của anh Triệu Văn Tấn là đi tuyên truyền, vận động và tuần tra bảo vệ rừng. Nhận xét về anh Tấn, ông Mùa Chù Di, Bí thư Ðảng ủy xã Nặm Lịch cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nhưng chưa thấy ai yêu rừng như anh Triệu Văn Tấn. Nhìn thấy một cây rừng tàn lá, úa vàng là anh đã bắt được bệnh cho cây, chăm sóc chữa bệnh cho cây như người thân. Nhờ được anh Tấn tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng bằng tiếng Mông mà người Mông ở Nặm Lịch hiểu về luật và yêu quý rừng nhiều hơn!”.

Nhiều năm nay người dân ở Nặm Lịch và Ẳng Cang đã quen với hình ảnh người cán bộ kiểm lâm giản dị Triệu Văn Tấn hàng ngày trên chiếc xe máy Dream II rong ruổi khắp các bản đi tuyên truyền quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, quy ước bảo vệ rừng bằng 3 thứ tiếng: Mông, Thái và tiếng phổ thông.

“Ðối với tiếng Mông và Thái tôi nhờ người bản địa đọc văn bản rồi thu âm lại; bộ loa đài được buộc vào xe máy; đến bản người Mông thì mở tiếng Mông, đến bản người Thái mở tiếng Thái. Ðối với địa bàn vùng thấp, nơi người dân thạo tiếng phổ thông thì lại phát tiếng phổ thông. Ðầu tiên, mình mở ca nhạc để gây sự chú ý của người dân, sau đó mới đọc quy định về bảo vệ rừng, tạo được sự hấp dẫn hơn!” - anh Triệu Văn Tấn chia sẻ.

Người dân ở xã Nặm Lịch và xã Ẳng Cang đều thuộc quy ước bảo vệ và phát triển rừng của bản mình. Thậm chí một số người còn thuộc làu làu các điều luật bảo vệ và phát triển rừng nhờ cách làm này của anh Triệu Văn Tấn. “Trước đây, xã được giao chỉ tiêu trồng 40ha rừng, tuy nhiên khi lãnh đạo huyện vào kiểm tra thì toàn xã mới chỉ thực hiện được 5ha. Nhưng từ khi được anh Triệu Văn Tấn đến từng bản tuyên truyền, giải thích, dễ nghe, dễ hiểu người dân đã tự nguyện ký cam kết trồng rừng nên xã đã hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng huyện giao” - ông Mùa Chù Di kể thêm.

Ðôi bàn tay sạm đen, dính đầy nhựa cây của ông Chá A Dua, Trưởng bản Thẩm Phẩng, xã Nặm Lịch run run khi cầm cọc tiền được gói mấy lần túi bóng, ông nói: Ðây là số tiền do cán bộ Quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng vừa thanh toán. Nhờ được cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền hướng dẫn cách giữ rừng, bảo vệ rừng nên giờ đây người dân ai nấy đều hăng hái trồng rừng, yêu rừng như yêu cuộc sống của mình. Rừng che chở bản tránh khỏi thiên tai, hạn hán, nay lại được Nhà nước trả công nên trong bản ai cũng mừng và giữ rừng. Năm ngoái tôi dành 2ha đất trồng lúa nương để trồng rừng cộng đồng, bởi bao năm trồng lúa nương đất đã bạc màu. Có rừng, tôi sẽ động viên con cháu khai hoang cấy lúa nước.

Trưởng bản Mánh Ðanh, xã Ẳng Cang Lường Văn Minh cũng phấn khởi khoe rằng, năm 2019 bản được tổ chức chi trả dịch vụ môi trường rừng trả công giữ rừng trên 100 triệu đồng. Có được kết quả này nhờ người dân đã hiểu được giá trị của rừng, cùng nhau đồng lòng bảo vệ chăm sóc rừng thông qua sự tuyên truyền, giải thích dễ nghe, dễ hiểu của cán bộ kiểm lâm địa bàn Triệu Văn Tấn.

Nhận xét về anh Triệu Văn Tấn, ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng cho biết: Anh Tấn là một cán bộ kiểm lâm gương mẫu, lúc nào cũng hết mình vì công việc. Anh Tấn có nhiều sáng kiến, cách làm hay, được người dân đồng tình ủng hộ, quý mến. Còn nhớ một lần, một đối tượng phá rừng ở xã Mường Ðăng khi bị anh Tấn phát hiện đã rút dao nhọn định tấn công lại, nhưng khi nhận ra đó là anh Tấn nên đã dừng lại. Sau khi được giải thích, người này đã lấy kìm trong cốp xe máy bẻ cong mũi dao và hứa với anh Tấn không bao giờ chặt phá rừng nữa. Quả thật, qua theo dõi, người đó đã tu chí làm ăn và không còn tái phạm. Nói như vậy để thấy rằng, trong thực thi nhiệm vụ, anh Triệu Văn Tấn có những cách nói, cách làm khiến cho người có ý định xấu bỏ cuộc, trở thành người tốt !”.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top