Vẫn khó di dời dân khỏi vùng thiên tai

11:07 - Thứ Bảy, 25/07/2020 Lượt xem: 6663 In bài viết

ĐBP - Qua rà soát, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, ngập lụt, sạt lở đất đá cần phải di dời khẩn cấp đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp, thiếu mặt bằng, quỹ đất tái định cư… nên công tác di chuyển, bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai còn gặp nhiều khó khăn.

14 hộ dân bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) nằm trong khu vực sạt lở đất, cần phải di chuyển.

Quyết định 1776/QÐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh có 874 hộ, với 5.739 nhân khẩu cần bố trí di dời khỏi vùng thiên tai; trong đó, di chuyển tập trung 445 hộ và xen ghép 429 hộ. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, giai đoạn 2013 - 2019 mới thực hiện hỗ trợ được 621 hộ dân di chuyển khỏi vùng có nguy cơ thiên tai (đạt 63,09% kế hoạch).

Ðơn cử, từ năm 2017 đến nay, 63 hộ dân với 287 nhân khẩu bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) luôn bị đe dọa bởi nguy cơ sạt lở đất, đá lăn nhưng vẫn chưa thể di chuyển đến nơi ở mới an toàn.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Hiện nay có khoảng 10 - 15 tảng đá có nguy cơ cao lăn xuống bản Pa Xa Xá trong thời gian tới. Vì vậy, trước mắt sẽ sơ tán toàn bộ dân bản đến nơi an toàn khi có mưa. Ðồng thời, phòng đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện rà soát lại phương án đảm bảo an toàn thi công phá đá phòng ngừa đá lăn, trồng tre gai đảm bảo an toàn khu dân cư bản Pa Xa Xá. Theo rà soát, khối lượng đá cấp 3 nguyên khối khoảng 36,18m3 và thực hiện trồng 200 khóm tre gai, mỗi khóm cách nhau 2,5m. Tuy nhiên, về phương án lâu dài sẽ di chuyển 63 hộ dân đến địa điểm mới là đồi Phắc Ven gần đập thủy điện Nậm Núa, cách trung tâm xã Pa Thơm khoảng 1km. Qua khảo sát, khoảng 90% hộ dân có nguyện vọng muốn được di chuyển đến đồi Phắc Ven. Tuy nhiên, do đồi Phắc Ven thuộc tiểu khu 737, khoảnh 8, với diện tích khoảng 6,5ha thuộc phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ, trạng thái DT2. Liên quan đến rừng nên phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy sẽ rất khó khăn.

Tương tự, từ nhiều năm nay, 14 hộ gia đình với 109 nhân khẩu ở bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn bởi sống trong khu vực sạt lở đất. Ðể đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân, huyện Ðiện Biên Ðông đã đề xuất giải pháp di dời đến địa điểm mới cách nơi ở cũ khoảng 860m. Thế nhưng, địa điểm dự kiến mới lại thuộc khu vực rừng phòng hộ cộng đồng quản lý thuộc tiểu khu 727, khoảnh 6, lô C, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng trạng thái rừng IIa, với diện tích khoảng 1,87ha.

Bên cạnh thiếu mặt bằng, thì mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân di chuyển còn thấp, đặc biệt với các hộ nghèo lại càng khó khăn hơn. Ðiển hình trong số 73 hộ dân phải di chuyển đến nơi ở khác do tình trạng sụt lún tại trung tâm xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông), thì có 23 hộ cần phải bố trí đất tái định cư. Ðể đảm bảo nơi ở mới cho các hộ dân, UBND huyện Ðiện Biên Ðông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện mặt bằng, đường giao thông, hệ thống điện, nước, đáp ứng kịp thời cho người dân đến nơi ở mới... Theo kế hoạch, phải di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới trước mùa mưa năm 2020. Nay đã vào mùa mưa nhưng mới có 8 hộ gia đình di chuyển đến nơi ở mới. Một số hộ dân cho biết sẵn sàng di dời đến khu tái định cư, nhưng khó khăn nhất vẫn là kinh phí xây dựng nhà mới quá lớn (khoảng 100 triệu đồng tùy thuộc vào từng nhà), trong khi đó kinh phí hỗ trợ di dời quá thấp (10 triệu đồng/hộ).Vì vậy để có đủ tiền xây dựng nhà mới là vô cùng khó nên một số hộ vẫn quyết định ở lại nơi ở cũ, dù biết là nguy hiểm.

Giai đoạn 2013 - 2019, tổng số vốn được phê duyệt tại 7 dự án đầu tư bố trí dân cư là hơn 295 tỷ đồng. Tuy nhiên số vốn bố trí hàng năm của Trung ương thấp gây khó khăn không nhỏ đến việc thực hiện kế hoạch. Ðiển hình năm 2020, theo Quyết định 1776/QÐ-TTg, toàn tỉnh được phân bổ 1,5 tỷ đồng thực hiện di chuyển dân cư vùng có nguy cơ thiên tai cao. Theo đó, huyện Nậm Pồ được 8 hộ (20 triệu đồng/hộ); Tủa Chùa, Mường Nhé mỗi huyện 5 hộ; Ðiện Biên 30 hộ; Ðiện Biên Ðông 18 hộ và Tuần Giáo 8 hộ.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Năm 2020, huyện được phân bổ 360 triệu đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, từ đầu năm đến nay huyện đã triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động, di chuyển được 15 hộ dân đến nơi an toàn. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền vận động người dân những nơi nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Tuy nhiên qua rà soát, số điểm, hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao cần được di chuyển còn nhiều nhưng kinh phí hạn hẹp không đáp ứng được nhu cầu cần di chuyển.

Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 bố trí ổn định cho 620 hộ dân vùng có nguy cơ thiên tai; trong đó bố trí tập trung 239 hộ, bố trí xen ghép 354 hộ và ổn định tại chỗ 27 hộ. Dự kiến nguồn vốn thực hiện trong giai đoạn này hơn 869 tỷ đồng (bao gồm bố trí dân cư vùng có nguy cơ thiên tai; vùng đặc biệt khó khăn và biên giới). Ðể thực hiện được mục tiêu đề ra, quan trọng hơn là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường huy động các nguồn lực từ nhân dân; xây dựng chính sách bố trí đất ở cho các hộ dân thuộc đối tượng của chương trình. Ðồng thời tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình ở vùng thiên tai di chuyển đến nơi ở mới.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top