Huyện Mường Chà

Khó khăn trong đào tạo nghề phi nông nghiệp

10:04 - Thứ Hai, 03/08/2020 Lượt xem: 6392 In bài viết

ĐBP - Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT), những năm qua huyện Mường Chà đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ða số lao động sau đào tạo biết áp dụng kiến thức đã học vào lao động sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, một số lao động đã có việc làm ổn định. Song trong quá trình thực hiện công tác đào tạo nghề vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LÐNT, dẫn đến cơ cấu đào tạo chưa phù hợp, tỷ trọng lao động được đào tạo ở lĩnh vực phi nông nghiệp còn thấp.

Học viên lớp kỹ thuật xây dựng (Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mường Chà) thực hành vận chuyển vật liệu xây dựng và pha trộn vữa xây.

Chia sẻ về khó khăn trong đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LÐNT, ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Chà cho biết: Mặc dù hàng năm chỉ tiêu đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LÐNT đều được thực hiện đạt 100% kế hoạch của huyện, nhưng trên thực tế số lớp và số học viên được đào tạo nghề phi nông nghiệp rất hạn chế. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm huyện chỉ mở được 2 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LÐNT với 70 học viên (khoảng 25% tổng số lao động tham gia học nghề), các lớp còn lại đều là nghề nông nghiệp.

Lý giải về nguyên nhân, ông Thái chia sẻ: Ðể thu hút học viên tham gia học nghề phi nông nghiệp, hàng năm huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động bằng nhiều biện pháp cụ thể. Thực tế nhận thức của LÐNT về nghề phi nông nghiệp từng bước có sự thay đổi, nhu cầu học nghề dần tăng cao (mỗi năm khoảng hơn 100 lao động đăng ký học nghề). Nhưng do lao động đăng ký học nghề phi nông nghiệp khác nhau, cộng với việc địa bàn cư trú phân tán, điều kiện đi lại khó khăn nên mỗi năm huyện chỉ mở được 2 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp với khoảng 70 học viên. Mặt khác, do nhu cầu tuyển dụng thợ sửa chữa, xây dựng trên địa bàn huyện rất ít, khiến người lao động khó tìm kiếm việc làm sau đào tạo. Trong khi đó, do hoàn cảnh gia đình, tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số người lao động không muốn đi làm ăn xa. Vì vậy, số người có nhu cầu học nghề phi nông nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế, đa số lao động chỉ muốn học nghề nông nghiệp vì sát với điều kiện thực tế của địa phương, những kiến thức đã học có thể áp dụng ngay vào việc chăn nuôi, trồng trọt của gia đình để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi cải thiện thu nhập. Nhất là khi huyện đã triển khai xây dựng được một số mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả như: Mô hình kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn; mô hình chuyển đổi từ trồng lúa nương sang trồng dứa, trồng dong riềng...

Ðào tạo nghề phi nông nghiệp cho LÐNT trên địa bàn huyện Mường Chà đã có kết quả nhất định, một số lao động có mức thu nhập tương đối cao, dao động từ  5 - 8 triệu đồng/tháng. Ðiển hình như chị Thào Thị Cử (bản Hát Che, xã Hừa Ngài), sau khi học nghề cắt may chị đã được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty may Ðức Giang (Hà Nội) với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên số LÐNT học nghề phi nông nghiệp của huyện Mường Chà còn rất hạn chế. Ðịnh hướng đào tạo nghề của huyện trong thời gian tới là nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp, giảm số lượng lao động học nghề nông nghiệp. Huyện Mường Chà sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về dạy nghề và việc làm cho người dân; rà soát, mở các lớp nghề phi nông nghiệp theo nhu cầu của người lao động; phối hợp làm tốt công tác giới thiệu, tìm kiếm việc làm cho học viên sau đào tạo...

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top