Dấu ấn Trưởng bản Sùng A Ly

07:00 - Thứ Bảy, 08/08/2020 Lượt xem: 6211 In bài viết

ĐBP - Tạm biệt thành phố Điện Biên Phủ, đoàn chúng tôi ngược ngàn lên miền biên viễn huyện Mường Nhé để được nghe câu chuyện về tấm gương Sùng A Ly. Anh là Bí thư chi bộ, Trưởng bản Huổi Lúm (xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé), suốt 10 năm qua đã vận động dân bản từ bỏ tà đạo, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, giúp bà con trồng lúa nước hai vụ, kêu gọi hiến đất làm đường giao thông, dựng xây nếp sống mới...

Trưởng bản Sùng A Ly (bên phải) chuyện trò cùng dân bản.

“Đánh thức” dân bản

Con đường đất lởm chởm đá tai mèo từ trung tâm huyện Mường Nhé về xã Nậm Vì như sợi chỉ uốn dài vắt vẻo qua sườn núi. Thấp thoáng trong sương mờ bao phủ, bản Huổi Lúm hiện ra trước mắt chúng tôi với những ngôi nhà mái tôn xanh, đỏ nằm san sát bên nhau tựa lưng vào núi. Bên dòng suối Nậm Vì róc rách, những tiếng đánh vần “ê... a” trong trẻo của các em nhỏ vọng ra từ trường mầm non của bản gợi cảm giác thật yên bình. Đi cùng tôi bên những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, đồng chí Lò Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nậm Vì tự hào, nói: “Đấy các anh xem, trong khi các bản lân cận một năm chỉ trồng được một vụ lúa nước thì Huổi Lúm năm nào cũng trồng hai vụ. Mỗi vụ trung bình một nhà được 20 bao thóc (gần 1 tấn), lại không mấy khi mất mùa nên chuyện thiếu ăn, thiếu đói giờ chỉ còn trong quá khứ. Nhà nào cũng có ti vi, xe máy. Có được thành quả ấy phải nói đến công lao của Trưởng bản Sùng A Ly”.

Nghe tiếng nói chuyện ngoài ngõ, người phụ nữ tất bật ra mở cổng. Đồng chí Xuân nói khẽ để chúng tôi đủ nghe: “Đó là Mùa Thị Sinh, vợ của Sùng A Ly. Ở bản này, người phụ nữ như Sinh khá hiếm, tư tưởng rất tiến bộ, luôn hỗ trợ chồng trong công việc của bản”. Nở nụ cười, chị Mùa Thị Sinh nói tiếng Kinh chưa sõi: “Các anh chờ chồng em một chút, anh ấy xuống bản hướng dẫn bà con làm vụ mùa đang về đấy ạ!”. Chúng tôi đang chăm chú xem những tấm bằng khen treo khắp gian phòng thì có tiếng xe ô tô dừng trước cổng. Thấy tôi ngạc nhiên, đồng chí Xuân cho biết: “Không chỉ có ô tô bán tải đâu, Ly còn mua được máy xúc, dân công trình lên đây làm còn thuê máy của Ly mà. Chưa kể nhà còn có máy phay đất, máy xát, thường xuyên giúp bà con. Bây giờ sản xuất phải có máy móc hỗ trợ, năng suất mới cao được”.

Sau cái bắt tay thật chặt, Ly rót cốc trà vằng nóng hổi mời chúng tôi. Ngồi trên phòng khách, mùi rượu ngô từ dưới bếp nồng lên phả trong khói mờ bảng lảng, chúng tôi được nghe câu chuyện về Trưởng bản Sùng A Ly.

Sùng A Ly năm nay 37 tuổi; quê gốc ở xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), nhưng từ nhỏ Ly đã theo bố mẹ sang định cư tại huyện Mường Nhé (Điện Biên). Năm 12 tuổi, Ly mới được bố mẹ cho đi học. Dẫu đi học muộn và nhiều lần bị gián đoạn nhưng khát khao được học chữ, được tìm hiểu kiến thức đã giúp Ly hoàn thiện chương trình trung học phổ thông. Năm 2007, khi đã có vợ và 3 con, Ly nhận được giấy mời nhập học ngành cơ điện tại Trường Trung cấp Kỹ thuật ở Vĩnh Phúc. Biết rằng, nếu đi học, bao nhiêu khó khăn sẽ chồng chất lên đôi vai người vợ bé nhỏ, nhưng may mắn, vợ Ly là người hiểu biết và tâm lý. Đêm trước khi về xuôi, chị động viên chồng: “Anh cứ yên tâm học cho tốt để đưa cái nghề về cho dân bản. Ở nhà em lo được”. Học xong trường nghề, là người có kiến thức, lại nhiệt tình, trách nhiệm với dân bản nên năm 2011, Ly được kết nạp Đảng, nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nậm Vì, phụ trách tổ giúp bản Huổi Lúm phát triển kinh tế. Năm 2013, Ly là Bí thư chi bộ rồi trở thành Trưởng bản Huổi Lúm.

Để minh chứng cho công tác vận động dân bản từ bỏ tà đạo, Sùng A Ly dẫn chúng tôi đến thăm một gia đình trong bản. Vừa nghe tiếng Trưởng bản Sùng A Ly, anh Giàng A Hạ cùng vợ bưng vội sạp ngô đang bốc khói đặt lên bàn rồi háo hức ra bắt tay “ân nhân”. Chả là cách đây vài năm, vợ chồng Hạ từng nhịn ăn, nhịn uống định bỏ nhà lên rừng ở theo lời rủ rê của kẻ xấu. Hạ tâm sự: “Cũng may dịp đó nghe theo lời khuyên của Trưởng bản Ly nên vợ chồng tôi mới không bỏ đi. Bây giờ thì tâm lý ổn định rồi, mỗi năm làm hai vụ lúa, nuôi 5 con lợn, nấu rượu ngô, nhà đã có cái ăn, cái để, mừng lắm”.

Nhớ lại năm 2011, lúc anh Ly vừa nhận nhiệm vụ thì xảy ra vụ bạo loạn do một số phần tử xấu tụ tập đòi thành lập “vương quốc Mông” ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè. Lúc ấy, bà con Huổi Lúm hoang mang, dao động lắm. Có người trong bản bị ốm nhưng nghe lời kẻ xấu dụ dỗ nên nhịn ăn, nhịn uống, trốn lên rừng để được “sang thế giới bên kia hưởng sung sướng”. Nghĩ việc đã rất gấp nên ngày nào Sùng A Ly cũng đến nhà dân bản ngồi bên bếp lửa, đứng ngoài vườn, trong bữa cơm để tuyên truyền cho bà con không được nghe theo lời kẻ xấu. Ly tâm sự: “Mình là đảng viên nên lời nói phải đi đôi với hành động. Tôi đã lấy danh dự xin hứa sẽ giúp bà con làm một năm hai vụ lúa nước, chỉ cần bà con không bỏ bản mà đi”. Đúng là “mưa dầm thấm lâu”, một vài nhà nghe, rồi cả bản cũng tin theo lời anh. Ngay cả lúc cao điểm vụ việc ở Huổi Khon thì bản Huổi Lúm không có bạo động, dân bản ở nhà yên ổn làm ăn, sinh sống.

Xây dựng nếp sống mới cho dân bản

“Mình là thành viên của tổ giúp dân phát triển kinh tế mà bản mình còn nghèo quá. Phải làm sao cho dân đủ ăn?”. Câu hỏi ấy quanh quẩn mãi trong đầu Sùng A Ly hết ngày này sang ngày khác. Thời điểm năm 2011, cố gắng lắm mỗi năm bản Huổi Lúm chỉ làm được một vụ lúa nước, nhiều nhà không đủ cái ăn. Một lần nọ, Ly ra thăm ruộng, thấy những chú trâu đang oằn lưng cày trên các thửa ruộng bậc thang khô hạn. Ly chợt nghĩ đến những chiếc máy phay đất chạy rào rào trên ruộng ở dưới xuôi. Tối về, Ly họp 5 anh em trong gia đình, bàn mua một bộ máy phay đất với giá 24 triệu đồng và đó là số tiền “không tưởng” với nhiều người lúc ấy ở bản. Ly tâm sự: “Nhà tôi có một mẫu ruộng, trước đây hai vợ chồng và hai con trâu phải cày bừa mất một tháng, vậy mà có máy phay đất chỉ 3 ngày đã xong”. Làm cho nhà mình xong, Ly mang máy sang giúp bà con cày ruộng. Thấy được công dụng của máy móc, Ly đầu tư mua máy tuốt lúa và máy xát thóc. Đến mùa thu hoạch, dân bản đến nhà Ly nhờ tuốt lúa và xay xát như đi hội. Học theo trưởng bản, nhiều nhà bán trâu, bán bò mua máy xát, máy phay. Có gia đình chưa đủ tiền, Ly cho mượn rồi trả bằng thóc khi đến vụ thu hoạch. Hiện nay, trong bản nhiều nhà có máy tuốt lúa, sắm được máy phay đất. Riêng nhà Sùng A Ly có tất cả hai máy tuốt lúa, hai máy phay đất. Đến mùa, ai nhờ Ly đều giúp không công, bà con chỉ cần bỏ tiền đổ dầu. Từ chỗ mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, có sự hỗ trợ của máy móc, đến nay, bản Huổi Lúm đã làm mỗi năm hai vụ, nhà nào thóc cũng chất đầy trên gác. Chuyện thiếu ăn, thiếu đói giờ chỉ là dĩ vãng.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, bản Huổi Lúm là đơn vị đi đầu trong phong trào vận động nhân dân hiến đất làm đường ở xã. Sùng A Ly tâm sự: “Ở bản, đói nghèo, lạc hậu một phần cũng vì giao thông đi lại khó khăn. Tôi tổ chức họp bản rồi vận động bà con hiến đất mở rộng con đường liên thôn để thuận tiện giao thương”. Liệt kê danh sách, con đường đi qua 24 hộ dân trong bản. Họp bản lần thứ hai, một số hộ gia đình không đồng ý vì lý do đất hương hỏa, ông bà để lại. Tâm niệm là trưởng bản, bí thư chi bộ thì mình phải noi gương làm trước, Ly đã về vận động bố đẻ là Sùng Súa Sình hiến 120m2 đất để làm đường. Trong gia đình Ly có anh chị không đồng tình, Ly lại cắt một phần đất của mình bù lại cho các anh chị để được hiến phần đất đường đi qua. Đến lần họp bản thứ ba thì cả 24 hộ gia đình đều đồng ý. Con đường giao thông liên bản giờ đây đã trở thành huyết mạch giao thương thuận lợi, ai cũng phấn khởi.

Bản Huổi Lúm được Nhà nước giao quản lý hơn 200ha rừng. Nhiều năm nay rừng vẫn bạt ngàn xanh tốt, chưa xảy ra vụ việc vi phạm nào. Ly cho biết: “Tôi thường tuyên truyền cho bà con hiểu, rừng như lá phổi xanh che chở cho sự sống của mình vậy. Rừng có tươi tốt, khỏe mạnh thì dân bản mới yên được”. Ngoài ra, bản thành lập 3 tổ quản lý rừng, mỗi tháng đi tuần 2 - 3 lần, riêng mùa khô thì mỗi tuần đi hai buổi. Các nhóm đi chéo nhau, khắp các khu vực. Hàng năm, bản được trích 25% tiền dịch vụ bảo vệ rừng để thắp điện chiếu sáng đường liên thôn, tu sửa đường sá và điểm nhà văn hóa của bản.

Bản Huổi Lúm về đêm sương mù giăng khắp núi đồi. Siết chặt bàn tay, Sùng A Ly tâm sự: “10 năm trước không ai dám nghĩ bản Huổi Lúm có ngày hôm nay. Nhưng cũng mong rằng nhiều năm sau, khi các anh quay lại, cuộc sống dân bản lại khác hơn nữa, với những con đường mới mở, những ngôi nhà khang trang, những đứa trẻ được học hành, những cánh rừng xanh bất tận”.

Từ trong khóe mắt của Trưởng bản Sùng A Ly, chúng tôi thấy như có ánh lửa cháy lên - Đó là ánh lửa của niềm tin, của nghị lực, của một đảng viên - trưởng bản tâm huyết với công việc, với nhân dân. Dòng suối Nậm Vì có khi vơi khi đầy, nhưng tấm lòng của Trưởng bản Sùng A Ly lúc nào cũng ăm ắp và dào dạt yêu thương…

Bài, ảnh: Anh Phạm – Đức Hạnh
Bình luận
Back To Top