Khó xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng

09:10 - Thứ Hai, 10/08/2020 Lượt xem: 6011 In bài viết

ĐBP - Có quy định về xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng nhưng khó thực hiện, đó là tình trạng chung của các địa phương. Tại địa bàn TP. Điện Biên Phủ, ông Vũ Văn Long, Trưởng phòng Y tế chia sẻ: “Có chế tài nhưng vẫn chỉ dừng ở tuyên truyền về tác hại, nâng cao nhận thức hướng đến thay đổi hành vi cho người hút thuốc lá chứ chưa xử phạt được ai”.

Tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) tại TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo Anh

Theo Phòng Y tế thành phố, những năm gần đây, tỷ lệ người hút thuốc lá tại các phường đã giảm nhưng lại tăng số người hút thuốc lá điện tử. Còn các xã ngoài lòng chảo thì dù giảm, số người hút thuốc vẫn tương đối cao, chiếm gần 50% trong số đàn ông cao tuổi và nam thanh niên. Vì thế kéo theo không ít bệnh tật do ảnh hưởng của thuốc lá và tác động đến kinh tế gia đình. Để thay đổi thực trạng, những năm qua, nhiều hoạt động đã được triển khai, chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và tác hại của hành vi hút thuốc lá, lợi ích của xây dựng môi trường không khói thuốc lá bằng các hình thức lồng ghép truyền thông vào các chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục thanh thiếu niên; đẩy mạnh tuyên truyền băng rôn, áp phích, cổ động mặt đường hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25 - 31/5). Đồng thời tích cực xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ quan, đơn vị, phòng, ban, đoàn thể, UBND các xã, phường; đặc biệt là duy trì mô hình “Nhà trường không khói thuốc” và “Bệnh viện không khói thuốc”; tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ký cam kết tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc...

Mới đây, Phòng Y tế TP. Điện Biên Phủ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Thành đoàn tổ chức 4 lớp tuyên truyền lồng ghép tác hại thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá với phòng chống tác hại rượu, bia; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho khoảng 280 người thuộc 11/11 xã, phường trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ; căng treo 35 băng rôn nhân Ngày Thế giới không thuốc lá; phối hợp kiểm tra liên ngành về các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại một số đối tượng kinh doanh; tổ chức cho các cơ sở có kinh doanh thuốc lá ký cam kết không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Các cơ quan, đơn vị đều gắn biển cấm hút thuốc nhưng phòng/không gian dành riêng dành cho người hút thuốc thì còn rất hạn chế. Cả thành phố chỉ có Phòng Quản lý trật tự đô thị có phòng riêng làm nơi hút thuốc.

Ông Long nhận định: Nhiều người hút thuốc lá đã nhận thức được tác hại nhưng vẫn hạn chế trong việc chấp hành các quy định và chưa bỏ được thuốc. Vì vậy công tác tuyên truyền cần tiếp tục được tăng cường, thực hiện liên tục và lâu dài theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”; bổ sung kinh phí cho các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá. Cùng với đó phải đưa các chế tài xử phạt theo Luật vào thực tế.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, gồm: Bệnh viện, trạm y tế; trường học (trừ trường cao đẳng, học viện); nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra có 3 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, gồm: Cơ quan, công sở, nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng. Luật cũng cấm hoàn toàn hút thuốc lá trên máy bay, ô tô, tàu điện. Đối với hành vi vi phạm, chủ thể có thể bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng theo điều 23, quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá Nghị định 176 năm 2013 của Chính phủ. Hút thuốc lá trên máy bay có quy định xử phạt riêng. Nếu các hình thức xử phạt được áp dụng thực tế và triển khai quyết liệt như việc phòng, chống tác hại rượu, bia thì việc hút thuốc lá mới có thể giảm rõ rệt và hiệu quả. 

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top