Đảm bảo chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam

09:35 - Thứ Tư, 12/08/2020 Lượt xem: 7259 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh hiện có 236 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó 188 trường hợp trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến và 48 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam nhằm giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên ổn định cuộc sống.

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao tiền hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho gia đình ông Nguyễn Minh Khai, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ). Ảnh: Đức Thái

Ông Đoàn Văn Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ: Hầu hết nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thường xuyên phải chịu đau đớn bệnh tật. Để kịp thời động viên, xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua tỉnh đã quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam. Tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động, nạn nhân chất độc da cam sẽ được hưởng các mức trợ cấp khác nhau. Hiện toàn tỉnh có 17 nạn nhân chất độc da cam được hưởng mức trợ cấp từ 21 - 40% với số tiền hơn 1,2 triệu đồng/tháng; 111 người được hưởng mức trợ cấp từ 41 - 60% với số tiền hơn 2 triệu đồng/tháng; 55 người hưởng mức trợ cấp từ 61 - 80% với số tiền gần 2,9 triệu đồng/tháng và 5 người được hưởng mức trợ cấp cao nhất trên 81% với số tiền hơn 3,7 triệu đồng/tháng. Đối với trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có 2 mức trợ cấp, trong đó 32 người được hưởng mức trợ cấp từ 61 - 80% với số tiền hơn 970.000 đồng/tháng và 16 người được hưởng mức trợ cấp trên 81% với số tiền hơn 1,6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số trường hợp trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng do bị mất, thiếu giấy tờ liên quan nên vẫn chưa được hưởng trợ cấp. Với những trường hợp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tạo điều kiện thuận lợi để họ sớm hoàn thiện hồ sơ được hưởng trợ cấp của Nhà nước.

Cùng với việc quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ chính sách, hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn tích cực vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Năm 2019, Hội kêu gọi ủng hộ được 145 triệu đồng để tổ chức hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, như: Thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam nhân dịp lễ, tết, khi bị ốm đau; tổ chức cho hội viên đi điều dưỡng, xông hơi giải độc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam… Từ năm 2019 đến nay, Hội đã tổ chức trao tặng gần 500 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá hơn 120 triệu đồng. Nhân dịp Ngày Thương binh  liệt sĩ (27/7) vừa qua, Hội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao 37 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất trị giá 600 nghìn đồng. Trong dịp kỷ niệm 59 năm ngày Thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2020), Hội hỗ trợ mỗi hội viên 100 nghìn đồng để động viên tinh thần, giúp hội viên có điều kiện gặp mặt giao lưu, ôn lại kỷ niệm. Đáng chú ý, từ các nguồn vận động, Hội còn triển khai hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho nạn nhân chất độc da cam. Trong năm 2019, Hội đã hỗ trợ xây dựng được 2 nhà tình nghĩa cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) và phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà...

Là người trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, những năm qua cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Đức Xuyên, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) hết sức khó khăn. Bản thân ông do sức yếu nên thường xuyên đau ốm phải nhập viện thăm khám, điều trị, trong khi các con lại ở xa nên không có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng. Mọi sinh hoạt đều dựa cả vào người con trai út ở cùng ông bà. Vì thế, ngôi nhà cấp 4 ông bà xây dựng nhiều năm qua đã xuống cấp trầm trọng mà chưa có điều kiện để sửa sang, xây mới. Nhờ được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động ủng hộ 50 triệu đồng, cộng với số tiền tích cóp và các con hỗ trợ, vừa qua, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà mới rộng gần 80m2 khang trang, kiến cố. Đây là niềm vui lớn giúp ông vượt qua khó khăn và nỗi đau bệnh tật để tiếp tục vươn lên ổn định cuộc sống.

Đức Thái
Bình luận
Back To Top