Nông dân Mường Pồn học nghề trồng nấm

10:03 - Chủ Nhật, 13/09/2020 Lượt xem: 5031 In bài viết

ĐBP - Mường Pồn là xã vùng ngoài của huyện Ðiện Biên, ít đất canh tác, sản xuất lúa 2 vụ nên nhiều năm qua, Ðảng ủy, chính quyền xã xác định đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp giúp bà con đa dạng hóa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Và trồng nấm dù không phải là nghề mới lạ, song khi được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Ðiện Biên tổ chức tại địa phương lại thu hút đông đảo nông dân đăng ký tham gia, với kỳ vọng thêm hướng mới tạo việc làm, nâng thu nhập sau học nghề.

Thực hành trên mô hình trồng nấm trong quá trình học tập giúp học viên nắm vững kiến thức để áp dụng vào sản xuất. Ảnh: Gia Kiên

Với đặc thù của những lớp đào tạo nghề ngắn hạn (thời gian học 44 ngày), người học ở nhiều độ tuổi khác nhau, trình độ nhận thức không giống nhau. Chính vì vậy cán bộ trực tiếp đứng lớp của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh vận dụng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, giáo trình bài giảng đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ để giúp học viên có thể nhớ và vận dụng luôn trong và sau quá trình học lý thuyết, thực hành. Nhờ vậy sau khi kết thúc lớp học, 35 học viên tham gia học nghề đều được cấp giấy chứng chỉ đào tạo nghề (đạt 100%). Và điều đáng mừng hơn cả sau khi kết thúc lớp học vào cuối tháng 7 vừa qua, nhiều hộ dân xã Mường Pồn đã chủ động làm cây, lợp kho để chuẩn bị tích trữ rơm rạ làm nguyên liệu trồng nấm sau vụ thu hoạch lúa mùa tới.

Với quan điểm không giảng dạy tràn lan kiến thức mà đi sâu dạy cho nông dân cách trồng, bảo quản một số loại nấm phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và nhu cầu của người học. Giảng viên của Trung tâm tập trung cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản trồng, chế biến 2 loại nấm cho học viên là nấm rơm và nấm sò. Ông Vì Văn Khiên, bản Mường Pồn 1 cho biết: Tham gia lớp học tôi biết trồng nấm rơm phải thực hiện các khâu cơ bản, như: Xử lý rơm khô, đóng mô, cấy giống; nuôi sợi, chăm sóc, thu hái... Quan trọng nhất là giai đoạn nuôi sợi phải thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ mô nấm. Sau 3 - 4 ngày, kiểm tra nhiệt độ yêu cầu trong mô nấm từ 35 - 420C, tốt nhất là 38 - 400C. Khi nhiệt độ mô nấm dưới 350C phải đậy thêm áo mô hoặc dùng bạt nilon cắt lỗ tạo độ thoáng trùm lên toàn bộ các mô nấm để tăng nhiệt và khi nhiệt độ mô nấm trên 450C phải tháo bỏ lớp áo mô để giảm nhiệt độ trong mô nấm. Phải duy trì chế độ nhiệt trên ổn định trong 5 - 7 ngày để hệ sợi nấm phát triển tốt nhất, sau đó hạ dần nhiệt độ thích hợp cho giai đoạn đón quả thể. Theo ông Khiên, học nghề trồng nấm rơm không khó, song phải kiên trì, tỉ mỉ và cẩn thận trong các công đoạn trồng và chăm sóc. Vụ tới gia đình ông sẽ tích nguyên liệu rơm rạ để trồng nấm theo kiến thức đã được học.

So với học trồng nấm rơm thì kỹ thuật trồng nấm sò phức tạp hơn. Bởi bên cạnh nguyên liệu sẵn có là rơm rạ thì phải cần mùn cưa, có nước vôi trong để xử lý. Giai đoạn nuôi quả thể đặc biệt phải chú ý tới việc tưới nước trực tiếp lên túi nấm khi thấy xuất hiện mầm quả. Và phải tưới nước dạng phun sương từ trên giàn xuống, không được tưới nước quá mạnh trực tiếp lên quả thể vì có thể làm cho tai nấm bị dập, nhũn, làm chết nấm non - Ông Tòng Văn An, bản Cò Chạy 2 so sánh. Tuy nhiên với sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, tỉ mỉ của giảng viên đứng lớp ông tin khi đã chuẩn bị nguyên liệu, các điều kiện đầy đủ thì việc trồng nấm sò sẽ thành công.

Ông Lò Văn Pao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Pồn cho biết, Hội có 1.010 hội viên, sinh hoạt tại 11 chi hội; tuy nhiên do diện tích lúa 2 vụ chỉ có hơn 100ha nên bà con phải tích cực học nghề để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Muốn làm được nghề mới, đem lại hiệu quả phải tổ chức các lớp học nghề trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của hội viên và quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Vì thế học nghề trồng và bảo quản nấm phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế ở địa phương. Sau khi lớp học được cung cấp kiến thức, hướng dẫn thực hành tại các mô hình trồng nấm giúp bà con có kiến thức để vận dụng vào sản xuất nấm tại gia đình vào vụ tới. Ông Pao nhận định, với giá bán trung bình từ 45.000 - 50.000 đồng/kg nấm rơm tươi; 80.000 - 100.000 đồng/kg nấm sò tươi, nông dân chăm chỉ trồng 2 loại nấm này sẽ đem lại nguồn thu tốt, góp phần cải thiện cuộc sống trong thời gian tới.

Gia Kiên
Bình luận
Back To Top