Ðảm bảo chế độ chính sách cho người có công

10:59 - Chủ Nhật, 20/09/2020 Lượt xem: 5946 In bài viết

ĐBP - Chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng của Ðảng, Nhà nước ta nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC và gia đình. Do đó việc giải quyết các tồn đọng đối với NCC là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Xác định rõ yêu cầu đó, thời gian qua cơ quan chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác này.

Ðại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao hỗ trợ cho con quân nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Ðức Hạnh

Thực tế trên địa bàn tỉnh ta còn những trường hợp NCC do nhiều lý do khách quan nên hồ sơ không đầy đủ, vẫn chưa được hưởng chính sách. Do lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ quản lý, thời gian chiến tranh ác liệt, nhiều thời kỳ nên hồ sơ, thủ tục không đáp ứng được yêu cầu của quy định. Các trường hợp NCC còn tồn đọng hầu hết không lưu giữ được giấy tờ hoặc giấy tờ bị rách nát, nên việc xác lập hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lò Văn Xôm, sinh năm 1959, trú tại xã Phu Luông, huyện Ðiện Biên nhập ngũ tháng 11/1977, thuộc đơn vị c17, e741, f326 (Quân khu II). Ông Xôm bị thương ngày 18/2/1979 tại điểm cao Chốt Ma Ly Pho (Phong Thổ, Lai Châu) trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Tháng 4/1980, ông Xôm xuất ngũ trở về địa phương. Do nhiều lý do mà đến nay ông Xôm mới được giải quyết hưởng chế độ thương binh hàng tháng.

Còn ông Quàng Văn Pể, sinh năm 1945, trú tại xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa nhập ngũ tháng 7/1968 thuộc đơn vị c9, d6, e148, f316 (QK II). Trong trận chiến đấu ngày 16/3/1969 trên chiến trường Pa Kha (nước CHDCND Lào), binh nhất Quàng Văn Pể đã bị thương vùng bả vai phải và xung quanh khớp háng. Tháng 12/1975 ông Pể xuất ngũ về địa phương, và cũng đến nay ông mới được hưởng chế độ thương binh.

Ông Xôm, ông Pể là 2 trong số 13 trường hợp thuộc diện tồn đọng chính sách NCC đã được giải quyết chế độ thương tật trong năm 2020 theo Nghị định số 31/2013/NÐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ. Hiện nay cơ quan chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ cho 10 trường hợp.

Thượng tá Nguyễn Ðức Thanh, Trưởng ban Chính sách (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cho biết: Nghị định số 31/2013/NÐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng đã góp phần quan trọng giải quyết những bất hợp lý do lịch sử để lại; những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế và những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh. Việc giải quyết tồn đọng là vấn đề khó, phức tạp cần thực hiện đúng quy định của pháp luật với quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch song cơ quan chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện; kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NCC.

Giải quyết tồn đọng chính sách NCC là một quá trình phức tạp, qua nhiều khâu, nhiều cấp, thậm chí phải đi xác minh tại đơn vị cũ của người đề nghị chế độ thương tật tại nhiều địa phương. Chính vì thế có những trường hợp kéo dài đến 2 năm mới hoàn chỉnh việc thẩm tra, xác minh để ra quyết định hưởng chế độ. Ðiều đó đặt ra yêu cầu đối với cơ quan, cán bộ thực hiện công tác chính sách xã hội nói chung, chính sách hậu phương quân đội nói riêng ngày càng cao. Quá trình xét duyệt hồ sơ phải dân chủ, công khai, minh bạch để đảm bảo quyền lợi xứng đáng cho những người đã hy sinh một phần xương máu bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, nguồn lực để thực hiện chính sách hậu phương quân đội, ưu đãi đối với NCC còn hạn chế; vẫn còn đối tượng chính sách tồn đọng sau chiến tranh cần xác nhận, giải quyết; đời sống của một số gia đình NCC còn nhiều khó khăn. Do đó thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, NCC không chỉ góp phần ổn định và nâng cao mức sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước mà còn có tác dụng giáo dục toàn dân về lòng yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Bằng các chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của các cấp, ngành; sự chia sẻ động viên của cộng đồng, nhiều gia đình NCC đã có mức sống trung bình khá; nhiều thương binh “tàn nhưng không phế” đã nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong lao động sản xuất, trở thành tấm gương sáng cho con cháu và cộng đồng noi theo.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top