Mô hình “Dòng họ bình yên” tại Tủa Chùa

Nẻo thiện cho người lầm lỗi

08:25 - Thứ Ba, 29/09/2020 Lượt xem: 6438 In bài viết

ĐBP - Hoạt động đã 15 năm nay, mô hình “Dòng họ bình yên” tại huyện Tủa Chùa không chỉ khẳng định hiệu quả trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con trong dòng dọ; hỗ trợ hộ nghèo trong dòng họ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, mà còn đạt nhiều thành công trong việc đưa những người từng mắc lầm lỗi trở về nẻo thiện, hòa nhập với cộng đồng, gây dựng lại cuộc sống.

Các trưởng dòng họ tại huyện Tủa Chùa hỗ trợ Công an huyện trong việc tuyên truyền, đón nhận người lầm lỗi trở về hoà nhập với cộng đồng xã hội.

Đưa chúng tôi đến một số “địa chỉ đỏ”, là những người đã từng chấp hành án tù nhiều năm rồi trở về sinh sống, phát triển kinh tế tại địa phương, Trung tá Giàng A Khu, Phó Đội trưởng Đội xây dựng phong trào, Công an huyện Tủa Chùa, cho biết: “Trước đây, những người lầm lỗi đi tù trở về là nỗi trăn trở lớn của Công an huyện chúng tôi. Bởi sau khi ra tù, họ khá lúng túng trong việc gây dựng lại cuộc sống cũng như hòa nhập với cộng đồng xã hội. Nhiều người vì không bắt đầu lại được cuộc sống như bình thường đã “ngựa quen đường cũ”, gây ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự cho địa phương. Nhưng từ khi mô hình “Dòng họ bình yên” hoạt động mạnh mẽ, đã trở thành trụ cột tinh thần vững chắc cho người từng lầm lỗi trở về nẻo thiện. Và trong đó, Trưởng dòng họ có vai trò rất quan trọng trong quá trình đón nhận, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ những người mãn hạn tù trở về”.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng A Tùng, 35 tuổi, trú tại bản Hẹ, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Nhà anh Tùng mới dựng được ngôi nhà theo kiểu nhà truyền thống dân tộc Mông. Gặp gỡ chúng tôi, ban đầu anh Tùng còn e dè, mặc cảm, nhưng sau đó, anh đã dần cởi mở để chia sẻ về những tháng ngày lầm lỗi trong quá khứ và con đường trở lại cuộc sống bình thường với mọi người trong bản. Cách đây 7 năm, anh Tùng phải chấp hành án tù do có quan hệ tình cảm với một cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên. Ra tù, trở về bản sinh sống vào năm 2016, bản thân anh Tùng cảm thấy xấu hổ, lo ngại người trong bản chê cười nên anh chủ động xa lánh mọi người, không dám tiếp xúc với ai, kể cả người thân, họ hàng. “Thấy tôi sống khép kín, thường xuyên ở trong nhà, Trưởng dòng họ Giàng chúng tôi là Giàng A Ký đã cùng mọi người trong họ và chính quyền bản tới nói chuyện, chia sẻ, động viên tôi; đưa tôi đến gặp gỡ những người khác trong bản và hướng dẫn tôi cách lao động, phát triển kinh tế gia đình. Thấy mọi người cởi mở và sẵn sàng đón nhận, tôi xúc động lắm, quyết tâm làm lại cuộc đời. Tôi đã đi làm thuê, giúp người dân trong bản xây dựng nhà ở, thu hoạch mùa màng, rồi dành dụm được chút tiền nhỏ. Sau đó tôi vay thêm bà con trong dòng họ để mua dê, lợn về nuôi. Mấy năm trôi đi, tôi đã không còn tự ti, mặc cảm vì từng đi tù nữa. Giờ đây tôi đã trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác trong bản, tôi đã lập gia đình, có con nhỏ và mới tách hộ, dựng được ngôi nhà mới khang trang. Mới đây gia đình tôi đã thoát nghèo, tôi vui mừng và biết ơn dòng họ, trưởng dòng họ nhiều lắm!” - anh Giàng A Tùng chia sẻ.

Được biết, để giúp anh Tùng trở lại hòa nhập với cộng đồng, Trưởng dòng họ Giàng A Ký đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhiều tháng ngày. Vừa là Bí thư chi bộ, vừa là người có uy tín trong bản lại có nhiều thành tích tuyên truyền chủ trương, đường lối, phát triển kinh tế của địa phương, anh Ký được bà con trong dòng họ tin tưởng bầu làm trưởng dòng họ. Vận dụng điều đó, anh Ký đã tuyên truyền để bà con trong họ hiểu, sẻ chia và chấp nhận một người từng lầm lỗi là Giàng A Tùng. Nói chuyện với chúng tôi, anh Ký cho biết: “Với trách nhiệm của trưởng dòng họ, tôi không chỉ quan tâm cá nhân Tùng mà còn tổ chức các buổi họp dòng họ, vận động bà con trong dòng họ dang tay, mở lòng đón nhận Tùng; tạo điều kiện cho Tùng sinh sống, lao động tại bản. Dòng họ chúng tôi tại bản Hẹ có 45 hộ. Từ sự đón nhận của đông đảo bà con trong họ, Tùng đã thực sự trở lại sinh sống, hòa nhập và yên tâm lao động sản xuất để thoát nghèo”.

Không chỉ hòa nhập cộng đồng, tích cực lao động sản xuất thoát nghèo, có người từng lầm lỗi trở về còn gây dựng, phát triển được kinh tế vững chắc và làm giàu trên chính quê hương của mình, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của dòng họ. Đó là trường hợp của anh Mào Văn Ơi, sinh sống tại đội 7, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa. Cách đây 10 năm, do sử dụng súng tự chế, không may anh Ơi vô tình bắn chết người và phải chịu án tù. Trở về được 6 năm, với sự đón nhận và hỗ trợ của dòng họ Mào trong xã Mường Báng, anh Ơi đã đầu tư mở xưởng mộc tại nhà, kinh tế ngày càng khấm khá. Ông Mào Văn Niêm, Trưởng dòng họ Mào xã Mường Báng cho biết: “Khi Ơi mới ra tù, nhà đông anh em, cuộc sống rất khó khăn. Thấy được khó khăn của Ơi cùng gia đình, dòng họ chúng tôi đã họp lại, bàn nhau góp quỹ cho gia đình Ơi phát triển kinh tế. Với số quỹ gần 100 triệu đồng, Ơi mạnh dạn đầu tư mở xưởng làm mộc, nhận làm các đồ gỗ cho bà con. Do có tay nghề, các sản phẩm gỗ, như: Tủ, bàn, ghế, giường... do Ơi làm được bà con đặt mua nhiều, đem lại nguồn thu nhập cao. Đến nay gia đình Ơi không chỉ thoát nghèo mà còn trở nên khấm khá”.

Toàn huyện Tủa Chùa hiện có 137 dòng họ, trong đó 90 dòng họ (chủ yếu là dân tộc Mông và dân tộc Thái) đang hoạt động mạnh mẽ theo mô hình “Dòng họ bình yên”, tiêu biểu như các dòng họ: Giàng, Sùng, Thào, Mùa, Quàng, Tòng, Lò... Bằng sự giúp đỡ của các dòng họ, không ít người lầm lỗi trở về, nhanh chóng trở lại sinh sống hòa nhập với cộng đồng, như: Mùa A Páo (bản Hẹ, xã Xá Nhè); Cà Văn Khới (bản Phiêng Quảng, xã Xá Nhè); Sùng Vàng Páo (thôn Pàng Dề B, xã Xá Nhè); Quàng Văn Ngốn (bản Ten, xã Mường Báng)...

Có một thực tế là mỗi người từng đi tù trở về luôn mặc cảm, xấu hổ, nhất là với người thân, họ hàng; từ đó xa lánh và không dám tiếp xúc với người ngoài. Nhưng từ mô hình “Dòng họ bình yên” ở Tủa Chùa, điều này đã được thay đổi, những người lầm lỗi đã có thêm cơ hội tốt, dưới sự đón nhận, hỗ trợ của dòng họ để vững tin vào cuộc sống mới, trở về nẻo thiện.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top