Đã có chế tài xử phạt uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc:

Nên thành lập Ban Chỉ đạo ở các địa phương

09:45 - Thứ Ba, 29/09/2020 Lượt xem: 6097 In bài viết

Sau 9 tháng triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, ngày 28/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 117 (thay thế Nghị định 176/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Đây là chế tài để cơ quan quản lý các cấp được phân công nhiệm vụ triển khai thực thi, tránh được sự đùn đẩy, chồng chéo hoặc có những khoảng trống trong quản lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực rượu, bia.

Theo Cục CSGT, 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT cả nước phát hiện hơn 110.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019. Theo kế hoạch của Bộ Công an, từ 1/9 cho đến hết năm 2020, lực lượng Công an trên cả nước ra quân xử lý vi phạm về nồng độ cồn và ma túy.

Tại hội nghị triển khai một số văn bản pháp luật hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 28/9, ông Trần Ngọc Duy, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, ngày 28/9, Chính phủ ban hành Nghị định số 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế Nghị định 176) trong đó có một phần các quy định liên quan đển xử phạt hành chính về phòng chống tác hại rượu, bia.

CSGT tăng cường tuyên truyền để người dân không uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Tại điều 30 quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia. Phạt tiền từ 500- 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia…

Tại Điều 34 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng nếu không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức.

Để Nghị định đi vào thực thi, các chế tài xử phạt được nghiêm minh, nhiều ý kiến lo ngại rằng, lực lượng nào xử phạt những hành vi này khi có một số hành vi khó xác định?

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Nghị định đã phân công trách nhiệm rất cụ thể, từ các bộ, ngành, trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt quy định rất chi tiết trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc quản lý thông tin giáo dục truyền thông liên quan đến rượu bia; trách nhiệm quản lý rượu thủ công, tránh sự buông lỏng, chồng chéo, tránh sự đùn đẩy giữa các cơ quan. Nghị định cũng phân định được trách nhiệm, tránh được khoảng trống trong quản lý, khi xảy ra vi phạm không biết quy trách nhiệm cho ai.

“Khi triển khai cần có sự phối hợp duy trì giữa các cơ quan để tránh việc sau khi Luật triển khai thì sát sao, nhưng một thời gian lại trầm lắng. Ở đây đòi hỏi sự phối hợp thường xuyên, đồng bộ và xuyên suốt”, bà Trang cho biết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.

Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi 15-49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Ước tính chưa đầy đủ cho thấy, tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung) đã là 25,789 tỷ đồng, chiếm 0,22 tổng GDP năm 2012.

Theo bà Trần Thị Trang, khi lực lượng chức năng triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và tai nạn thương tích do sử dụng rượu bia cũng đã giảm đáng kể.

Còn Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT thì cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hơn 110.000 vụ vi phạm nồng độ cồn, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, ý thức tuân thủ Nghị định 100 của một số người tham gia giao thông đã giảm, vẫn còn hiện tượng không chấp hành đo nồng độ cồn phải đưa đi xét nghiệm máu. Bộ Công an vừa ban hành Kế hoạch tăng cường kiểm soát nồng độ cồn và ma túy đối với người điều khiển xe cơ giới đường bộ, lực lượng CSGT trên cả nước bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 1/9 và kế hoạch này xuyên suốt đến cuối năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, thống nhất trên toàn quốc, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu bia của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp thì công tác tuyên truyền, phổ biến luật là hết sức quan trọng.

Để làm được việc này, theo ông Tuyên, các địa phương nên thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của rượu, bia và phân công nhiệm vụ hết sức cụ thể, chi tiết cho từng cấp, từng ngành. Cần xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của Luật, Nghị định của Chính phủ để làm sao khi triển khai phải quyết liệt và phù hợp với thực tế.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top