Khó khăn quản lý giao thông đường thủy ở Tủa Chùa

08:38 - Chủ Nhật, 04/10/2020 Lượt xem: 5783 In bài viết

ĐBP - Vận tải đường thủy nội địa (ÐTNÐ) trên địa bàn huyện Tủa Chùa chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại thăm thân của người dân, đánh bắt thủy sản, trao đổi hàng hóa... Tuyến ÐTNÐ huyện Tủa Chùa có hơn 50km; gồm 1 bến thủy nội địa tại thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só đạt tiêu chuẩn, còn lại chủ yếu là bến dân sinh hoạt động mang tính tự phát, chưa được cấp phép và chưa xây dựng kết cấu hạ tầng. Tại bến Huổi Lóng có trên 200 thuyền, trong đó có 4 thuyền tải trọng trên 30 tấn thường xuyên hoạt động giao thương.

Nhân công xưởng đóng thuyền của anh Lò Văn Minh, thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só gia công thuyền để đảm bảo an toàn trong lưu thông đường thủy.

Hiện nay, huyện Tủa Chùa có 105 phương tiện thủy các loại, đa số là phương tiện loại nhỏ, do người dân tự đóng. Các phương tiện đường thủy chủ yếu được làm bằng sắt hoặc gỗ thô sơ do người dân tự thiết kế nên thiếu thiết bị an toàn, đặc biệt là phao cứu sinh, cứu nổi. Hầu hết số phương tiện đều chưa được đăng kiểm; các chủ thuyền và lái thuyền chưa có chứng chỉ chuyên môn. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng trên, song chủ yếu là do người dân không đủ điều kiện để thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có cơ sở đào tạo cấp phép cho loại phương tiện đường thủy. Năm 2019, dù đã được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ đăng kiểm cho các phương tiện song do các phương tiện chưa có giấy chứng nhận an toàn nên không có căn cứ để đăng kiểm. Cùng với đó, việc quy hoạch bến bãi, phân luồng cho tàu thuyền, hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu giao thông đường thủy còn hạn chế nên công tác quản lý, xử lý các phương tiện còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, lực lượng chức năng xác định công tác tuyên truyền là yếu tố then chốt để nâng cao ý thức chấp hành của người dân về an toàn giao thông đường thủy.

Anh Lò Văn Minh, chủ một xưởng đóng thuyền tại bến đò Huổi Lóng, xã Huổi Só cho biết: Ngày trước chưa xây dựng bến đò, người dân chủ yếu dùng thuyền độc mộc. Từ ngày bến đò được xây dựng, người dân chuyển sang sử dụng thuyền máy để tăng hiệu quả song chủ yếu là thuyền tự đóng hoặc thuê đóng tại các xưởng thủ công như xưởng của gia đình tôi. Thuyền được người dân sử dụng để đánh bắt cá, vận chuyển nông sản, trang thiết bị còn hạn chế.

Ðể nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông ÐTNÐ cho nhân dân các xã ven sông; nâng cao trách nhiệm đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ÐTNÐ của chính quyền các xã có tuyến sông đi qua, lực lượng công an Tủa Chùa tập trung tuyên truyền Luật Giao thông ÐTNÐ, quy định xử phạt về giao thông đường thủy và kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu đối với người bị nạn do đuối nước; cấp phát áo phao… Ðồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát tuyến đường sông để đảm bảo an ninh, an toàn.

Thiếu tá Ngô Xuân Quyết, Ðội trưởng Ðội cảnh sát giao thông trật tự (Công an huyện Tủa Chùa) cho biết: Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến đường thủy vẫn còn nhiều hạn chế do việc tạm giữ và quản lý phương tiện đường thủy sau khi vi phạm rất phức tạp vì chưa có âu thuyền, điểm trông giữ, bảo quản. Vì lẽ đó, đơn vị xác định giải pháp chính là thường xuyên phối hợp với các ban, ngành chức năng và chính quyền cơ sở nắm chắc tình hình; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy đến người dân, nhất là người điều khiển phương tiện. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông trật tự huyện đã tổ chức 16 lượt tuyên truyền về Luật Giao thông ÐTNÐ và Nghị định 132/2015-NÐCP quy định về xử phạt lĩnh vực giao thông ÐTNÐ; vận động 251 trường hợp là chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện đường thủy trên địa bàn ký cam kết thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, Công an huyện phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện phát 40 áo phao cho người dân xã ven sông sử dụng khi tham gia giao thông đường thủy.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top