Vượt khó để đạt mục tiêu

09:34 - Thứ Ba, 06/10/2020 Lượt xem: 5334 In bài viết

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có lao động - việc làm, khiến không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, tạm dừng hoạt động, còn người lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch phát triển của ngành Bảo hiểm xã hội. Tuy vậy, toàn ngành đang nỗ lực vượt khó để đạt mục tiêu, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội.

Người dân làm thủ tục xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội quận Hà Đông.

Nhiều khó khăn đặt ra

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có khoảng 30,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong số lao động bị ảnh hưởng có gần 900.000 người bị mất việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực có quan hệ lao động. Đây là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, dẫn đến số người nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp tăng 33% so với cùng kỳ năm trước (bình quân mỗi tháng cả nước có 99.000 người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp). Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi hơn 9.000 tỷ đồng để giải quyết chế độ cho người lao động.

Đến giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) vào ngày 2-10 vừa qua, chị Trần Thùy Dung (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Tôi làm kế toán tại một công ty xuất khẩu hàng hóa từ năm 2000 đến tháng 7-2020. Hiện tại, công ty này tạm dừng hoạt động, khiến tôi và một số đồng nghiệp bị thất nghiệp. Tôi đã cố gắng tìm kiếm công việc khác để có thể tham gia bảo hiểm xã hội liên tục, nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp”.

Tỷ lệ thuận với số lao động thất nghiệp tăng là số doanh nghiệp không đủ khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng tăng lên. Từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng giải quyết cho hàng nghìn đơn vị sử dụng lao động tạm hoãn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo nội dung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

“Trong bối cảnh doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn, thì chính sách bảo hiểm xã hội với vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội đã trở thành giá đỡ, giúp nhiều doanh nghiệp, người lao động từng bước vượt qua khó khăn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Chủ động vượt khó

Tuy nhiên, trên thực tế, khi kế hoạch chi vượt dự kiến, kế hoạch thu giảm sâu cũng đồng nghĩa với nhiều chỉ tiêu của ngành Bảo hiểm xã hội khó đạt mục tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 8-2020, số thu của ngành Bảo hiểm xã hội mới đạt 63,6% kế hoạch năm. Số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lên tới hơn 21.400 tỷ đồng (bằng 5,3% số phải thu).

Năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu có 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (hiện mới đạt hơn 31%); số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt tỷ lệ 29,2% (hiện mới đạt 26%); số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số (hiện mới đạt hơn 89%). Để hoàn thành mục tiêu, trong quý IV-2020, ngành Bảo hiểm xã hội cần phát triển thêm hơn 1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hơn 1,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế…

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong những tháng cuối năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện kết nối liên thông, xác thực thông tin đăng nhập một số dịch vụ đối với đơn vị sử dụng lao động, trong đó có những dịch vụ quan trọng như: Đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế…

Để mở rộng số người tham gia, ngành Bảo hiểm xã hội đã và đang tăng cường tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội. Ngành phối hợp với ngành Y tế trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; với ngành Giáo dục và Đào tạo phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Toàn ngành phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong năm học 2020-2021.

Nhằm giảm tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng, trường hợp vi phạm sẽ chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý; đồng thời tiếp tục thông tin rộng rãi doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng…

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top