Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển

09:40 - Thứ Hai, 12/10/2020 Lượt xem: 5658 In bài viết

ĐBP - Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là một trong ba đột phá chiến lược được triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ðối với tỉnh ta, nhìn lại 5 năm qua, với nhiều chính sách quan tâm, ưu đãi, nguồn nhân lực đã tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Người dân xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên tham gia lớp đào tạo trồng và quản lý sinh vật hại trên cây lúa.

Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn

Là tỉnh miền núi, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, việc phát triển nguồn nhân lực đầu tiên phải kể đến là lao động nông thôn. Từ lao động tự phát, tự học hỏi, hàng nghìn lao động đã được đào tạo nghề đúng khoa học, kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm kinh tế địa bàn. Theo Quyết định số 1956/QÐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án “Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 40.650 lao động, bình quân đạt 8.130 lao động/năm. Số người được hỗ trợ học nghề ngắn hạn khoảng 25.000 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo hàng năm đạt trung bình 75,2%; thu nhập bình quân tăng từ nghề đã học đạt 1,5 - 2,2 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 57%, cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đề ra.

Ðể triển khai đào tạo nghề hiệu quả, hàng năm, các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch phù hợp. Các nghề đào tạo chủ yếu trong những năm qua là nghề nông nghiệp, như: Kỹ thuật trồng nấm; quản lý sinh vật hại và chăm sóc lúa, ngô, cây ăn quả; kỹ thuật nuôi cá; chăm sóc lợn nái sinh sản; chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm... Các nghề phi nông nghiệp như cắt may, kỹ thuật xây dựng, sửa chữa điện... chỉ chiếm 20 - 30% các lớp đào tạo nghề. Qua thực tế chứng minh, hoạt động đào tạo nghề đã giúp cho người học nâng cao tay nghề, đặc biệt là trồng trọt, chăn nuôi đúng cách, áp dụng được khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống. Ðồng thời góp phần tích cực để thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Giai đoạn 2020 - 2025, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động. Ðòi hỏi cần mở rộng các hình thức đào tạo, dạy nghề; nâng cao chất lượng và phát triển quy mô dạy nghề, đáp ứng nhu cầu của các ngành, nghề sử dụng nhân lực có kỹ năng tay nghề cao. Ðể làm được điều đó, định hướng giai đoạn tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững; thí điểm thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của Nhà nước, giám sát của xã hội.

Bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh ta đã xây dựng và triển khai nhiều đề án, kế hoạch, chính sách về phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân lực chất lượng cao. Các đề án, kế hoạch được các cấp, các ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, quy mô, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực tỉnh đã có bước phát triển tích cực. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh từng bước được nâng lên đã góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả lãnh đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ. Cụ thể, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên tăng từ 43,8% (năm 2015) lên 60,06% (đến hết năm 2019); 95,8% công chức cấp xã đạt trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, đặc biệt trình độ đại học tăng từ 14,03% lên 32,7%. Bình quân mỗi năm có trên 20 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ, phục vụ nhân dân, yêu cầu của tiến trình thực hiện cải cách nền hành chính Nhà nước và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, việc thu hút nhân tài đến công tác lâu dài tại tỉnh được quan tâm hơn cả. Ðặc biệt là những ngành, lĩnh vực mà tỉnh hiện tại còn đang thiếu nhân lực trình độ cao như bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I, II hoặc tương đương trở lên và thạc sĩ, tiến sĩ các ngành khoa học kỹ thuật. Chính sách được áp dụng như mức thu hút bằng 40 lần mức lương tối thiểu/người đối với thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp I và tương đương; mức thu hút bằng 50 lần mức lương tối thiểu/người đối với bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II và tương đương... Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có ngành nghề đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển của đơn vị. Tuy nhiên đến nay số công chức, viên chức được áp dụng chính sách thu hút tại tỉnh mới chỉ dừng lại ở một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, chính sách thu hút chủ yếu là đối với người trúng tuyển vào làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp có trình độ thạc sĩ với tổng số 14 người.

Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nữ; người dân tộc thiểu số; cán bộ công tác tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn; cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển đi học tập nâng cao trình độ, năng lực công việc và bồi dưỡng lớp cán bộ kế cận. Trong giai đoạn 2015 - 2020, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng đã cử trên 700 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo chuyên môn sau đại học góp phần tăng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Qua các chương trình, đề án và các chính sách quan tâm đào tạo, thu hút đó, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh; xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top