Cực Tây hừng sáng

09:55 - Thứ Hai, 12/10/2020 Lượt xem: 6127 In bài viết

ĐBP - Từ hơn chục năm qua, đã nhiều lần tôi trở lại cực Tây. Mỗi lần trở lại, mảnh đất thiêng “nơi một con gà gáy 3 nước cùng nghe” đều đem đến cho tôi nhiều cảm xúc và những trải nghiệm mới mẻ. Và lần này, chúng tôi trở lại cực Tây trong một ngày mưa tầm tã. Thế nhưng những cơn mưa rừng triền miên đã không ngăn nổi cảm xúc vỡ òa khi được chứng kiến sự đổi thay và phát triển của một vùng biên cương đang bừng lên sức sống.

Tuổi trẻ Ðiện Biên và du khách chinh phục mốc số 0 A Pa Chải, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé).  Ảnh: Sầm Phúc

Xuất phát từ TP. Ðiện Biên Phủ, chúng tôi di chuyển bằng xe máy chỉ mất hơn 4 giờ là đã đến trung tâm huyện lỵ Mường Nhé. Cũng là quãng đường khoảng 200km ấy nhưng cách đây hơn chục năm chúng tôi đã phải đi hết cả ngày đường. Giờ đây, con đường nhiều kỷ niệm ấy đã được rải nhựa phẳng phiu với 2 làn xe chạy. Những khúc cua, dốc nguy hiểm cũng được mở rộng và hạ thấp để hạn chế những rủi ro cho các phương tiện đi qua.

Chúng tôi nghỉ lại một đêm ở trung tâm huyện, các nhà nghỉ, nhà khách mọc lên san sát; dịch vụ ăn uống cũng hoạt động từ sáng đến nửa đêm. Những năm trước đây, cả huyện chỉ có một nhà khách do UBND huyện quản lý trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, khi thì mất điện, lúc thì mất nước… Giờ đây hầu hết nhà khách, nhà nghỉ đều có phòng khép kín và được trang bị khá tiện nghi, đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch. Một anh bạn đã nhiều lần đồng hành với tôi và đã hơn 5 năm mới quay trở lại, khi được nghỉ trong một căn phòng sạch sẽ, điều hòa mát rượi chỉ với giá 200 nghìn đồng/ngày đã phải thốt lên rằng: Chẳng bù cho những lần phải đi ngủ nhờ phòng bảo vệ của các cơ quan vì nhà khách của huyện hết phòng…

Sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục di chuyển vào Ðồn Biên phòng A Pa Chải trên quãng đường gần 70km để chinh phục cột mốc số 0. Do đây là khu vực biên giới nên chúng tôi đã liên hệ trước với Ðồn để bố trí người đưa lên cột mốc. Mặc dù rất thiện chí để giúp đỡ đoàn đi tham quan cột mốc nhưng Thiếu tá Ðặng Văn Tuấn, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng A Pa Chải tỏ ra hơi e ngại, anh bảo: Do trời mưa liên tục nhiều ngày nên đường lên cột mốc có nhiều đoạn sạt lở, trơn trượt. Nếu bình thường cả đi và về chỉ mất 2 giờ thì bây giờ phải đi bộ mất hơn 3 giờ, nếu các anh quyết tâm thì Ðồn sẽ bố trí người đi cùng… Nghe nói vậy tất nhiên là chúng tôi đồng ý ngay, bởi vì hơn 3 giờ là khoảng thời gian mà chúng tôi khá bất ngờ vì trước đây nếu xuất phát tại Ðồn từ sáng sớm thì cũng phải 2 giờ chiều mới về được đến Ðồn và những lần như thế chúng tôi đều phải đem theo cơm và thức ăn.

Ðúng như kế hoạch, chúng tôi bắt đầu chinh phục cực Tây. Từ Trạm kiểm soát lối mở, 4 người trên 2 xe máy chúng tôi đi thẳng đến chân núi Khoang La San. Chỉ có một đoạn là đường đất còn lại là đường bê tông mà ô tô loại to cũng có thể đi được. Lại nhớ lần đầu tiên chinh phục cột mốc số 0, chúng tôi phải lách qua những lối mòn để vượt qua một đồi cỏ gianh mất hơn 2 giờ mới đến được vị trí này. Nhiều người được coi là “phượt thủ” nhưng sau khi đến đây cũng phải bỏ cuộc vì không còn sức. Tại đây có một căn nhà khá khang trang, hiện đại mới được xây dựng để làm nhà chờ, chúng tôi để lại xe máy và bắt đầu đi bộ vào khu rừng già. Con đường mòn mà trước đây chúng tôi phải nhờ đến chiếc gậy để hỗ trợ cho đôi chân thì giờ đây đã được đổ bê tông, dọc theo ta luy âm có hàng lan can bằng kim loại chắc chắn và đẹp mắt. Cứ khoảng 100 - 200m lại có một chiếu nghỉ, mỗi chiếu nghỉ được kê 4 băng ghế đá. Hết quãng đường bê tông, khi còn cách cột mốc khoảng 1km là những bậc đá hoa cương được xây dựng khá hiện đại. Ðến đây du khách chỉ việc thong thả leo từng bậc một thay vì phải đu dây rừng để trèo lên vách núi… Mặc dù leo đến đây đã toát mồ hôi hột, nhưng một anh bạn trong đoàn lần đầu tiên được chinh phục mốc 0 vẫn nói đùa trong tiếng thở: Thế này mà bảo là “chinh phục” cột mốc thì cũng hơi ngượng, mà phải nói là đi tham quan cột mốc mới đúng… Còn nhớ cách đây khoảng 6 năm, trong một lần cùng bạn bè chinh phục cột mốc này, chúng tôi đã vô cùng khâm phục 2 bé gái 8 tuổi có mặt trên cột mốc. Thế nhưng với điều kiện và cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng như hiện nay thì 8 tuổi hay thậm chí là nhỏ hơn cũng có thể chinh phục được cột mốc số 0 mà không còn được coi là kỳ tích nữa.

Giờ đây, tại các bản A Pa Chải, Tả Kố Khừ và Tá Miếu của xã Sín Thầu đã bắt đầu có những nhà nghỉ cộng đồng, homestay được đầu tư phục vụ du lịch. Nhiều ngôi nhà gỗ với vẻ ngoài đơn sơ nhưng bên trong đã được chủ nhà trang bị máy điều hòa nhiệt độ và nhiều tiện nghi hiện đại để phục vụ du khách có nhu cầu nghỉ lại. Trước kia du khách đến với cực Tây chỉ có một địa chỉ để xin nghỉ lại chính là Ðồn Biên phòng A Pa Chải. Thế nhưng vào những dịp lễ, tết hoặc vào mùa du lịch thì Ðồn không thể đáp ứng đủ. Những lúc như vậy khách du lịch chỉ biết tìm vào nhà Bí thư, Chủ tịch xã để xin giúp đỡ, bố trí chỗ nghỉ… Ðiều đó cũng lý giải tại sao lần đầu tiên tôi đến với cực Tây đúng vào dịp tết cổ truyền của người Hà Nhì và được nghỉ lại trong gia đình ông Pờ Dần Xinh, nguyên Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu lại gặp nhiều người từ mọi miền Tổ quốc cũng về đây ăn tết. Họ chính là những vị khách du lịch đã được ăn nghỉ ở đây, được đối đãi như người thân trong gia đình nên họ coi đây là gia đình thứ 2 của mình. Và mỗi năm, cứ đến tháng 12 dương lịch họ lại trở về “nhà” ăn tết.

Chuyến đi này đã để lại trong tôi nhiều bất ngờ xen lẫn niềm vui. Bất ngờ vì một vùng biên đang từng ngày thay da đổi thịt, bắt kịp xu thế phát triển của đất nước và vui vì những tiềm năng du lịch có một không hai ở nơi đây đang được chú trọng đầu tư để phát huy hiệu quả. Tin rằng, trong tương lai không xa xã Sín Thầu nói riêng và huyện Mường Nhé nói chung sẽ thực sự trở thành điểm sáng trên vành đai biên giới.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top