Vấn đề tuần này

Cần nỗ lực giảm nghèo bền vững

08:33 - Thứ Năm, 15/10/2020 Lượt xem: 5591 In bài viết

ĐBP - Mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh giảm xuống dưới 16%. Ðây là một trong những mục tiêu được xác định tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Song để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30,67% hiện nay xuống dưới 16% vào năm 2025 thì cần sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó mỗi người nghèo, hộ nghèo phải có quyết tâm giảm nghèo.

Có thể thấy, giai đoạn vừa qua trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công nhưng vẫn ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo; bố trí kinh phí để triển khai các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn lãi suất thấp, đào tạo nghề… được quan tâm triển khai. Với một tỉnh miền núi biên giới như Ðiện Biên, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo càng được quan tâm nhiều hơn với sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, xóa đói giảm nghèo được triển khai, như: Chương trình 135, Chương trình 30a, Ðề án 79, Ðề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người cùng các chương trình hỗ trợ khác đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm bình quân 3,49%/năm, riêng các huyện nghèo 30a giảm 4,53%/năm. Kết quả đó là sự nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo vẫn luôn thường trực, đặc biệt với khu vực vùng cao, biên giới chỉ sau trận mưa lũ, hàng trăm hộ dân vừa thoát nghèo đã tái nghèo. Trong khi biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khốc liệt, và như thế, công cuộc xóa đói giảm nghèo chưa biết khi nào kết thúc.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tỉnh ta đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người nghèo vươn lên. Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung hỗ trợ sinh kế cho người dân; đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi; tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Các địa phương chú trọng nắm tình hình, nhu cầu thực tế của nhân dân để có các hình thức hỗ trợ phù hợp, thiết thực. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng được rà soát thường xuyên, kịp thời đề xuất điều chỉnh sát với điều kiện và nhu cầu thực tế của người dân. Bằng cách làm đó, nhiều người nghèo, hộ nghèo đã thêm trợ lực vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu với các mô hình kinh tế tổng hợp, trang trại, gia trại… Bên cạnh những nỗ lực rất đáng ghi nhận đó cũng còn không ít hộ nghèo vẫn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo để được thụ hưởng các chính sách, hỗ trợ từ phía Nhà nước, cộng đồng. Ðây là lực cản rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, muốn xóa đói giảm nghèo bền vững cần sự nỗ lực, quyết tâm của toàn xã hội; trọng tâm là chính quyền cơ sở và chính người nghèo, hộ nghèo. Chính quyền cơ sở cấp xã, cấp huyện là nơi gần dân nhất cần khảo sát, nắm rõ tình hình thực tế, nhu cầu của người dân để tìm các nguồn hỗ trợ, hình thức triển khai phù hợp. Ngoài nguồn lực Nhà nước, phải có cơ chế huy động các nguồn lực xã hội từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính người dân trên địa bàn. Việc triển khai các chính sách, sử dụng các nguồn lực xóa đói giảm nghèo cũng cần công khai, minh bạch và hỗ trợ đúng đối tượng. Chính quyền các cấp nghiên cứu giải pháp phù hợp khơi dậy ý chí và khát vọng quyết tâm vươn lên của chính bản thân người nghèo, không cam chịu sống trong nghèo nàn, lạc hậu; tránh tư tưởng ỷ lại, lười lao động, chờ cho không, cấp không… Mỗi chính sách, mỗi sự hỗ trợ phải có thêm điều kiện ràng buộc trách nhiệm để người dân được tham gia và thực hiện có hiệu quả các nguồn hỗ trợ, vươn lên xóa đói nghèo.

Ðến thời điểm này, Ðiện Biên vẫn là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thuộc nhóm cao nhất trong cả nước. Thế nên việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh không chỉ có ý nghĩa góp phần thực hiện mục tiêu chung của cả nước mà quan trọng hơn thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao đời sống người dân, giữ vững ổn định chính trị khu vực biên giới cực Tây Tổ quốc. Muốn xóa đói giảm nghèo thành công và bền vững cần có chủ trương, chính sách đúng đắn; sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và hơn cả là nỗ lực tự thân của mỗi người dân, quyết tâm thoát nghèo của mỗi người nghèo, hộ nghèo.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top