Bản nghèo trong lòng thị trấn

09:35 - Thứ Bảy, 17/10/2020 Lượt xem: 5213 In bài viết

ĐBP - Dù “hộ khẩu” thuộc thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) thế nhưng nhiều năm qua, đời sống người dân bản Hón vẫn khó khăn, vất vả; thậm chí còn khó hơn một số bản vùng cao khác trên địa bàn huyện. Thực tế là vậy, song cấp ủy, chính quyền thị trấn đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu mang tính đột phá để giúp bà con nơi đây xóa được đói, giảm được nghèo…

 

Một góc bản Hón, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng).

Trước năm 2007, bản Hón thuộc xã Ẳng Cang và cũng là một trong những bản khó khăn của xã. Từ năm 2007, bản Hón được chia tách, sáp nhập về thị trấn Mường Ảng. Ngày mới “nhập khẩu” về thị trấn, bà con dân bản ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, đồng thời mong muốn cấp ủy, chính quyền có nhiều quyết sách, định hướng giúp nhân dân thoát khỏi cảnh nghèo đói. Cũng từ khi “chuyển khẩu” về thị trấn, bản Hón trở nên nhộn nhịp hơn. Nhiều trụ sở các cơ quan, đoàn thể đầu não của huyện, như: Huyện ủy, HÐND, UBND huyện Mường Ảng được xây dựng nằm trên đất bản Hón. Thời điểm ấy, người dân bản Hón truyền tai nhau về tương lai tươi sáng phía trước. Thế nhưng, hơn 13 năm trôi qua bản Hón vẫn là bản nghèo của thị trấn. Theo danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối kỳ năm 2019, đầu kỳ năm 2020 mà Trưởng bản Quàng Văn Hóa cung cấp cho chúng tôi, bản Hón có tới 78 hộ nghèo; 28 hộ cận nghèo. Như vậy, tính cả hộ nghèo, cận nghèo thì bản Hón có tới 106 hộ trên tổng số 199 hộ toàn bản (chiếm 53%).

Ông Quàng Văn Hóa chia sẻ, hàng năm, Nhà nước có đầu tư một số chương trình, dự án để hỗ trợ người dân song bà con chưa phát huy được nên đời sống không có nhiều thay đổi; tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguyên nhân một phần do tư duy bà con chưa bắt kịp với cuộc sống ở phố thị; phần nữa là do ảnh hưởng của việc thu hồi đất theo chủ trương của huyện để xây dựng một số công trình trọng điểm trên địa bàn, như: Khu hành chính, làm việc của huyện; làm đường 42m, 27m... “Sau khi huyện có chủ trương thu hồi đất, người dân đồng thuận và tuân thủ theo đúng chủ trương, song sau khi được đền bù, thay vì mang số tiền đó để đầu tư sinh lợi thì họ lại tiêu hết. Có những trường hợp do phần lớn là đất sản xuất nên sau khi đất bị thu hồi thì không có đất để canh tác, dẫn đến việc phải đi làm thuê nên cuộc sống đã vất vả lại càng khó khăn hơn” - Trưởng bản Quàng Văn Hóa bộc bạch.

Chị Lường Thị Hà là một trong những hộ nghèo của bản Hón. Nhiều năm nay, cuộc sống luôn khó khăn bộn bề. Chị Hà cho biết, năm 2011, sau khi lấy chồng, gia đình chị tách khẩu ở riêng. Do ít tư liệu sản xuất nên kinh tế chẳng khấm khá lên được. Ðến nay, cả gia đình chỉ dựa vào thu nhập ít ỏi do chồng đi làm thuê dưới Hà Nội gửi về.

Cùng bản Hón, gia đình chị Lò Thị Thúy cũng khó khăn, vất vả không kém. Ðể mưu sinh, bố và anh trai chị Thúy phải đi làm thuê, bốc vác ở các tỉnh dưới xuôi. Chị Lò Thị Thúy chia sẻ: Thực hiện chủ trương của huyện về việc thu hồi đất để xây dựng trung tâm hành chính huyện, gia đình bị thu hồi 3.048m2 đất, trong đó có 200m2 là đất ở. Ðối với các diện tích ngoài đất ở, trước khi bị thu hồi gia đình vẫn trồng cà phê và một số loại cây ăn quả. Sau khi bị thu hồi, gia đình chỉ được cấp 377,93m2, thuộc loại đất ở. Do không còn đất sản xuất nên cuộc sống gia đình lại lâm vào cảnh khó khăn; đến nay vẫn chưa biết phải làm thế nào để thoát nghèo.

Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến cảnh nghèo khó ở bản Hón, ông Lương Ðức Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Ảng cho rằng, nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản là do người dân lười lao động. Thêm nữa là bà con chưa bắt nhịp được với cuộc sống của khu dân cư thị trấn, chưa thay đổi được tư duy giữa làm nông nghiệp sang sản xuất, kinh doanh các loại hình dịch vụ. Không những thế, tỷ lệ người nghiện ma túy của bản khá cao và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo. Theo ông Tuấn, trong tổng số 100 người nghiện ma túy toàn thị trấn, bản Hón có tới 30 người. Thậm chí có hộ gia đình bố, con cùng nghiện.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù thuộc thị trấn, song bản Hón đang được thụ hưởng chính sách vùng đặc biệt khó khăn. Hàng năm, người dân nơi đây vẫn được Ðảng, Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ một số chương trình, dự án theo quy định. “Cuối năm nay, bản Hón sẽ hết thời gian được thụ hưởng chính sách vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất xin cho bản tiếp tục được thụ hưởng chính sách này để bà con vơi bớt khó khăn” - ông Tuấn chia sẻ.

Bản Hón khó khăn là thế, song việc đưa ra các giải pháp, định hướng giúp bản Hón thoát nghèo vẫn là “bài toán” khó đối với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây. Theo ông Lương Ðức Tuấn, hiện tại cấp ủy chính quyền thị trấn vẫn đang nỗ lực vận động, tuyên truyền để bà con thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh. Ðây được xem là cách phù hợp nhất để người dân vươn lên thoát nghèo.

Rời bản Hón, điều khiến tôi suy nghĩ nhất không phải nguyên nhân vì sao bản Hón nghèo, cũng không phải số hộ nghèo, cận nghèo của bản là bao nhiêu… mà là câu nói vui của Trưởng bản Quàng Văn Hóa về tương tai của bản Hón, ông bảo: “Giờ chỉ có gói 62 nghìn tỷ của Chính phủ cho hết người dân trong bản thì mới thoát nghèo được”. Dù chỉ là câu nói vui, song câu nói của vị trưởng bản dường như dự báo công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở bản Hón sẽ còn rất gian nan.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top