Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ

08:54 - Thứ Hai, 19/10/2020 Lượt xem: 6405 In bài viết

ĐBP - Từ việc ngày ngày cặm cụi lao động, thêu thùa, chăm con, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thậm chí có người không nói được tiếng phổ thông. Giờ đây phụ nữ vùng cao tỉnh ta đã có vị thế khác trước. Cán bộ nữ đồng bào dân tộc thiểu số công tác tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Cán bộ nữ đảm nhiệm các vị trí chủ chốt từ cấp tỉnh đến thôn, bản. Trong phạm vi khu dân cư, gia đình, chị em cũng có tiếng nói, có các hoạt động để cộng đồng, người thân ghi nhận.

Phụ nữ dân tộc Lào, bản Na Sang, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Qua đại hội Ðảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại địa bàn tỉnh ta, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện cao hơn nhiệm kỳ trước. Nữ ủy viên ban chấp hành chiếm 20,05% (cao hơn 4%), nữ ủy viên ban thường vụ chiếm 11,2% (cao hơn 2,8%). Cấp xã cũng vậy, nữ tham gia ban chấp hành chiếm 19,8% (cao hơn nhiệm kỳ trước 3,2%), nữ tham gia ban thường vụ chiếm 9,9% (cao hơn 5,8%). Số lượng cán bộ nữ tham gia HÐND, lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể cũng rất đáng kể. Nữ đảng viên toàn tỉnh tính đến 30/6/2020 là 13.415 người (gần 26,86% tổng số đảng viên toàn tỉnh). Nữ giới tham gia vào bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị các cấp không chỉ tăng về số lượng mà ngày càng được trẻ hóa với trình độ chuyên môn, năng lực cao. Có thể kể đến như: Lò Thị Út (sinh năm 1987), Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên; Vừ Thị Hà (sinh năm 1989), Phó Chủ tịch UBND xã Xa Dung, huyện Ðiện Biên Ðông; Vàng Thị Sua (sinh năm 1993), Bí thư Chi bộ bản Pàng Dề A1, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa...

Dù ở cương vị nào hay bất cứ nhiệm vụ gì, các cán bộ nữ cũng phát huy tốt vai trò, khả năng, giữ vững phẩm chất đạo đức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị Lò Thị Ỏm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Chiềng Ðông, huyện Tuần Giáo luôn xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình là: “Thường xuyên tuyên truyền, vận động các chi hội, chị em phụ nữ trên địa bàn tích cực học tập, lao động sáng tạo để nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Trong 5 năm qua, với sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội Lò Thị Ỏm, Hội LHPN xã Chiềng Ðông đã phối hợp mở 4 lớp dạy nghề ngắn hạn về kỹ thuật nuôi gà, vịt, ngan, lợn, trồng cây ăn quả... cho trên 140 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Cùng nhiều hoạt động khác, như: Triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ kế hoạch (năm 2019 giảm 3% so với năm 2015); vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với 453 hội viên tham gia bình xét, đạt cả 8/8 tiêu chí. 5 năm qua đã có trên 4.500 lượt chị em được tập huấn kiến thức, truyền thông về sức khỏe sinh sản; gần 495 lượt phụ nữ được khám thai định kỳ...

Dù không tham gia công tác, đảm nhiệm các chức danh trong hệ thống chính trị, chính quyền nhưng nhiều chị em người dân tộc thiểu số vẫn khẳng định được vai trò, vị thế của mình. Ðó có thể là vai trò gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; vai trò kết nối chị em, phát triển phong trào hội; hay chỉ đơn giản là người mẹ, người vợ, người hội viên mẫu mực, tích cực... Chị Lỳ Cố Sứ, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, người Si La, trình độ văn hóa 5/12 nhưng là hội viên nòng cốt trên địa bàn. Chị vinh dự là 1 trong 3 hội viên phụ nữ cơ sở điển hình của tỉnh ta được tham dự Ðại hội Thi đua yêu nước Trung ương Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV, diễn ra vào ngày 18/10/2020 tại Hà Nội. Có vinh dự ấy nhờ chị luôn tích cực tuyên truyền giáo dục, vận động chị em và nhân dân trong bản thực hiện tốt chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không sinh nhiều con, cho con em đến tiêm chủng theo lịch định kỳ và chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt cho các chị em khác. Chị Sứ chia sẻ: “Có kinh nghiệm gì, hiểu biết gì từ phát triển kinh tế đến chăm sóc con cái, chăm lo gia đình, tôi đều sẵn sàng chia sẻ với chị em. Gia đình tôi làm ruộng nước và chăn nuôi gà, vịt, thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm, đủ trang trải cuộc sống và chi phí cho các con đi học. Vợ chồng tôi có 2 người con, 1 cháu đang học Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên, 1 cháu còn nhỏ học tại trường trong xã. Cả 2 đều chăm ngoan, học giỏi”.

Hiện toàn tỉnh ta có 129 cơ sở hội và 102.317 hội viên phụ nữ. Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, 67 năm thành lập Hội LHPN tỉnh, Bà Lò Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu: Những năm qua, hoạt động công tác hội và phong trào phụ nữ đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ngày càng có nhiều chị em phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, được quần chúng nhân dân và cấp ủy Ðảng ghi nhận. Nhận thức, tư duy của chị em phụ nữ, đặc biệt là tại địa bàn vùng cao, vùng sâu vùng xa, biên giới không chỉ nâng lên mà vai trò, vị trí của phụ nữ cũng được khẳng định chắc chắn hơn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top