Góc nhìn – Tiêu điểm

Chủ động ứng phó thiên tai

13:28 - Thứ Bảy, 24/10/2020 Lượt xem: 5461 In bài viết

ĐBP - Những ngày qua, liên tiếp các vụ sạt lở đất do mưa lũ trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị làm nhiều người chết, mất tích. Những nguyên nhân đang được cơ quan chức năng làm rõ, nhưng thiệt hại thì không thể đong đếm. Sau sự việc này, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung, nhất là các tỉnh miền núi tích cực vào cuộc rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, những hộ dân trong vùng nguy hiểm để di chuyển đến nơi an toàn.

Những điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở tại các tỉnh miền Trung đều thuộc các xã, huyện miền núi, với địa hình phức tạp và có nét tương đồng với các xã, huyện vùng cao của tỉnh Ðiện Biên. Trong khi Ðiện Biên là một trong những tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa lũ, sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét… Theo thống kê, toàn tỉnh còn 59 xã có nguy cơ trượt, lở đất đá rất cao, 33 xã nguy cơ trượt lở đất đá cao và 20 xã có nguy cơ trượt lở đất đá trung bình, thấp và rất thấp, với hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ. Các xã này thuộc các huyện: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và thị xã Mường Lay.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chú trọng việc di chuyển người dân vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan (thiếu vốn di chuyển; thiếu mặt bằng tái định cư; nhu cầu về nhà ở, tập quán sinh sống…) mà đến nay nhiều hộ dân vẫn đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở. Ðiển hình là 14 hộ dân bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) sinh sống ngay cung sạt lở, song do thiếu mặt bằng di chuyển nên đến nay vẫn chưa thể di dời đến nơi an toàn. Khác với bản Mường Tỉnh A, thì người dân khu vực sạt lở tại Trung tâm xã Tìa Dình, dù đã được cơ quan chức năng làm mặt bằng tái định cư mới vẫn cố tình ở lại, không di chuyển.

Thiếu vốn di chuyển là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều hộ dân vẫn sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ðơn cử năm 2018, tỉnh được phân bổ 2 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện di dời 100 hộ ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai. Số kinh phí này quá thấp so với nhu cầu thực tế. Ðể di chuyển người dân vùng sạt lở đến nơi an toàn, nhiều dự án về di dời dân cư đang được tỉnh triển khai nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên dự án triển khai chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh đang tăng cường rà soát, kiểm đếm những hộ có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để sớm có phương án di dời. Thế nhưng, qua sự việc sạt lở đất làm hàng chục người tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị chết và mất tích, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì người dân cần chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho gia đình, cũng như tài sản; trên hết là cần hợp tác, đồng thuận thực hiện di chuyển đến nơi ở mới theo quy hoạch đã được cơ quan chức năng thực hiện.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top