Tăng cường quản lý, bảo vệ động vật hoang dã

09:15 - Thứ Tư, 28/10/2020 Lượt xem: 6219 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường song vẫn còn tình trạng người dân săn bắt, bắn, bẫy; mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, trong đó có những loài quý hiếm.

Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé thả cá thể động vật hoang dã về môi trường sống tự nhiên trong lâm phần khu bảo tồn. Ảnh: Nhật Phương

Những năm gầy đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng, thu giữ nhiều cá thể động vật hoang dã đang bị đưa ra khỏi địa bàn để tiêu thụ. Ðiển hình như ngày 7/11/2019, khi làm nhiệm vụ tại Km15 quốc lộ 12 thuộc địa phận xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên), tổ công tác Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra hành chính xe khách BKS 27H-2463 và ô tô con BKS 27A-043.52 phát hiện trên hai xe có 47 cá thể động vật hoang dã, gồm các loại: Cầy vòi mốc, khỉ mặt đỏ, hoẵng, don… có tổng trọng lượng 169kg. Hầu hết các cá thể đều ở thể đông lạnh (33 cá thể cầy vòi mốc, trọng lượng 99,5kg; 2 cá thể khỉ mặt đỏ trọng lượng 18kg; 2 cá thể hoẵng trọng lượng 25,5kg); 10 cá thể còn sống, gồm: 9 con don trọng lượng 23kg; 1 con cầy vòi mốc trọng lượng 3kg. Quá trình đấu tranh, các đối tượng khai nhận vận chuyển thuê số động vật này từ huyện Mường Nhé về TP. Ðiện Biên Phủ.

Ngày 2/1/2020, tại khu vực bản Nà Ín, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ), tổ công tác Công an huyện Nậm Pồ kiểm tra xe ô tô mang BKS 27A-024.14 phát hiện trong cốp xe có 16 cá thể động vật cầy hương với tổng trọng lượng khoảng 70kg, trong đó 2 con còn sống, còn lại đã chết. Ðối tượng vận chuyển khai nhận đã thu mua số cầy hương này ở xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) để vận chuyển về thành phố tiêu thụ.

Ông Lò Văn Thành, Ðội trưởng Ðội Kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Trước tình trạng vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã ngày càng phức tạp, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tỉnh và công an các huyện, bộ đội biên phòng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 5 vụ vận chuyển, tàng trữ và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng. Trong đó, xử lý hình sự 1 vụ và 4 vụ xử phạt hành chính. Tang vật thu giữ gồm: Tê tê java, rùa đầu to, các bộ phận của báo, gấu ngựa, sơn dương, don, hoẵng, cầy vòi mốc, khỉ mặt đỏ, cầy giông sọc. Bên cạnh việc xử lý vi phạm, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tiến hành kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản, quản lý nuôi động vật hoang dã. Từ đầu năm đến nay, Ðội Kiểm lâm cơ động đã kiểm tra 48 cơ sở gây nuôi các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; động vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục Cites và động vật rừng thông thường trên toàn tỉnh, gồm 9 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và 39 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường. Lực lượng kiểm lâm đã phổ biến, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi về quản lý hồ sơ nguồn gốc lâm sản, điều kiện chuồng trại, điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và tổ chức ký cam kết với các cơ sở chăn nuôi.

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học là giải pháp quan trọng trong quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Những năm qua, Khu bảo tồn là nơi tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã do cá nhân, tổ chức giao nộp. Sau khi tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe theo quy định, các cá thể đảm bảo đủ điều kiện được Khu Bảo tồn phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tổ chức tái thả về môi trường sống tự nhiên trong lâm phần Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 3 cá thể khỉ vàng do người dân tự nguyện giao nộp. Cả 3 cá thể đã được chăm sóc đảm bảo sức khỏe và thả về môi trường sống tự nhiên.

Ðể tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tuyên truyền tới nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; không săn bắt, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tới cộng đồng dân cư theo quy định. Ðồng thời, xây dựng phương án phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về săn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top